1. TRỒNG NGẢI ĐỂ THU MẢNH, ĐỂ NÊN HỒN NGƯỜI : NGẢI NHÂN, NGẢI CỘI
Cách dùng ngải gốc nhất là tìm và trồng cây ngải đồng huyết với mình, để thu mảnh của mình về, để các mảnh này có thể về tiếp cây ngải tổ trong rừng, mà được gọi là CÂY CỘI.
Con người cũng như cái cây. Trong một đời người và trong cả luân hồi, mỗi chúng ta đều bị mất mảnh như cái cây bị rụng lá, bi gãy cành, bị bật rễ. Những mảnh rơi vỡ này nếu không được thu về cội, sẽ khiến cho quá trình sống và đầu thai của con người trở thành một quá trình hao mòn, suy kiệt rất nhanh và con người càng ngày càng mất gốc.
Lá rụng về cội
Lá cây rụng về cội, từ cội về đất, và nuôi dưỡng lại cây gốc, chứ lá không quay ngược về cái cành sinh ra nó và từ đó nó rụng ra. Đây là vòng tuần hoàn sự sống, và cần đi xuôi theo vòng tuần hoàn sự sống này
Những mảnh “lá rụng về cội” đầu tiên của mỗi người cần thu về cội là
– Mảnh máu huyết, mảnh thân thể bị mất
– Mảnh phách, vía, hồn bị rách, bị vỡ, bị lạc, bị trấn …
– Mảnh thân rốn ối nhau bị tách rời, từ lúc sinh ra đời
– Mảnh bị mất từ trong thai
– Mảnh bị mất trong quá trình đầu thai, sinh tử chuyển kiếp
Lưu ý là các mảnh này sẽ về cội, chứ không về được với chúng ta, vì chúng ta không phải là gốc rễ của chúng, chúng ta cũng chỉ là một mảnh chưa về cội mà thôi.
Cây có cội được gọi cây cối, nghĩa cây mà bầu rễ được đỡ bởi một cái cối có cấu trúc rất chắc chắn. Cái cội giống như là cái tổ chim trên cành cây, có điều cội nằm dưới gốc cây, nên được gọi là cội rễ.
Ngó lên Sở Thượng thêm buồn
Muốn giăm cội rễ, sợ đường xa xôi
Giăm cội rễ là giâm cành cây mà có cội, nên cái cành ấy có thể mọc rễ được. Tất cả những cây giâm cành mà sống được đều là những cây có tính cội rất mạnh như tre, găng, lá đắng, cúc tần, hương nhu, mồng tơi, rau muống, … Người có cội cũng là người có thể trồng được cây cội rễ tốt nhất.
Khi một người tìm được cội của mình, và tự trồng được cây ngải mà là đường dẫn về cội của mình, thì người ấy là người có tổ có tông.
Người có tổ có tông sống ở đâu cũng giữ được gốc gác và bản chất của mình, tuy nhiên những người như vậy lại không ham hố những chuyện ly hương vì họ có một tình yêu và nỗi nhớ rất riêng tư với quê hương, trong khi người mất gốc thì bao giờ cũng ham hố du học, du lịch, sinh ngoại và ra ở nước ngoài… bởi vì họ chỉ có lực ly hương, lực phát tán ra chứ không có lực thu về gốc, nên càng sống lâu dài ở tình trạng này càng nát tan ra (đây là tình trạng Mạt Pháp).
Con người có cố có ông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Con người có tổ có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Hương của cây ngải cội được gọi là hương xưa, và cây ngải trồng để về với cội bao giờ cũng mang mùi của quê hương.
Cây có cội mới trổ cành xanh lá
Nước có nguồn mới bủa khắp rạch sông
Làm người có Tổ, có Tông
Như cây có cội như sông có nguồn
Mỗi người cần hợp nhất với một cây ngải đồng huyết kiểu với mình, mà cũng chính là người ấy ở một khía cạnh khác, và chính người này phải tìm thấy và phải trồng được cây này thì quá trình tích hợp mảnh mới xảy ra mạnh mẽ.
Không thể dùng cây ngải người khác trồng mà mong mình về được cội.
Khi người không ra người, ngợm không ra ngợm, thì trồng bất kỳ cây gì cũng không ra hồn, không nên hồn, dù có thể ra cái hình của cây, ra hoa, ra trái tưởng như bình thường. Không ra hồn, không nên hồn, hồn cây, hồn người là vì mất gốc, không về được cội.
—o—o—o—
2. TRỒNG NGẢI ĐỂ KẾT DUYÊN LỨA ĐÔI : NGẢI NGÃI, NGẢI TRẦU
Cách dùng ngải thứ hai là để chọn và gặp được đúng người yêu của mình.
Anh về tìm vợ con anh
Lá rụng về cội bỏ nhành bơ vơ
Gần sông cội mới ngã kề
Tiếng tăm anh chịu, em về tay ai?
Cây ngải một cách tự nhiên trở thành bùa yêu, của đôi lứa, chứ không phải loại bùa yêu làm lú lẫn, dẫn dắt bắt người không yêu mình, không thuộc về mình phải gắn bó với mình. Một ví dụ tiêu biểu của cây ngải này là bộ trầu, cau, cây sang hoặc loại cây khác ăn cùng trầu cau.
Ăn trầu thì nhổ nước đi,
Đừng có nuốt nước, có khi mắc bùa
Trầu cau khi ăn cùng nhau cho ra hỗn hợp như máu. Trồng và ăn trầu cau không khác gì luyên ngải, vì bản chất của ngải chính là đồng huyết. Hỗn hợp này vì là máu, nên nếu ăn trầu mà không nhổ ra, lại nuốt vào thì không khác gì tự cắt máu ăn thề.
Từ ngày ăn phải miếng trầu
Miệng ăn môi đỏ dạ sầu đăm chiêu
Biết rằng thuốc dấu bùa yêu
Làm cho ăn phải nhiều điều xót xa
Làm cho quên mẹ quên cha
Làm cho quên cả đường ra lối vào
Làm cho quên cá dưới ao
Quên sông tắm mát quên sao trên trời
Cây ngải ăn được máu người, trở thành huyết nhân ngải, là một cây bùa ngải rất là mạnh. Cây ngải này mà dùng làm bùa yêu thì không khác gì cắt máu ăn thề : kiết này không nên duyên vợ chồng thì không bằng chết, kiếp này không được làm người của anh thì kiếp sau làm ma của anh.
Trầu này tôi têm hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra mời chàng
Trầu này không phải trầu hàng
Không bùa không thuốc sao chàng không ăn
Hay là chê khó chê khăn
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu
Miếng trầu ăn nặng bằng chi,
Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn
Trầu này trầu quế trầu hồi
Trầu loan, trầu phượng, trầu tôi, trầu mình
Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu nhân, trầu ngãi, trầu mình lấy ta
Trầu này têm tối hôm qua
Giấu cha giấu mẹ đem ra cho chàng
Trầu này không phải trầu hàng
Không bùa không thuốc sao chàng không ăn?
Hay là chê khó chê khăn?
Xin chàng đứng lại mà ăn miếng trầu
Ăn trầu người khác mời không khác gì ăn máu của người khác, phải rất cẩn thận.
—o—o—o—
3. TRỒNG NGẢI ĐỂ ĐỠ CHO CÂY DÒNG HỌ : NGẢI ĐỀN ÂN, NGẢI BÁO HIẾU
Cách trồng và luyện ngải thứ hai là để thu mảnh của người khác, mà thường đồng máu với mình, nghĩa là người thân trực tiếp với mình như ông bà, cha mẹ, con cái
Cách dùng ngải thứ ba này giống như cách trồng ngải thứ nhất, nghĩa là để thu mảnh và để hoàn thiện con người, về mặt hồn phách, nhưng có một sự khác biệt cơ bản là người được đỡ không phải là mình mà là một người khác trên cây dòng họ.
Người được đỡ này có thể là
– Một người thân đã mất
– Một người thân còn sống
– Một người thân còn chưa ra đời
Người được đỡ này có thể là
– Một người trên cấp : ông bà, cha mẹ
– Một người ngang cấp : vợ chồng, anh chi em
– Một người dưới con : con cháu
Con cháu có thể trồng ngải để đỡ cho ông bà, cha mẹ đã mất về được với cây cội của ông bà cha mẹ, với điều kiện chính người này cũng nối được về cây cội của mình.
Những người khó sinh hoàn toàn có thể trồng ngải để đỡ cho đứa con tương lai của mình, với điều kiện họ thực sự hiểu được mình và con mình đang thiếu điều gì, để khó sinh.
Lý do chúng ta có thể đỡ được cho người cùng dòng máu với mình, là vì
– ngải là cây đồng huyết
– những người có cùng dòng máu sẽ có chung một cội, nghĩa là cây cội của ông bà cha mẹ cũng là cây cội của con cháu.
—o—o—o—
4. TRỒNG NGẢI ĐỂ CHỮA BỆNH, LÀM HUYỀN THUẬT, ĐỂ GIA ÂN : NGẢI CỨU, NGẢI THUỐC
Cách dùng thứ tư là dùng ngải chữa bệnh. Người dùng ngải chữa bệnh phải hiểu được về
– bản chất của con người, mà bao trùm bản chất của con bệnh
– bản chất của bệnh tật và bản chất của chữa bệnh
– bản chất của cây cối, mà bao trùm bản chất của cây ngải, hay cây thuốc cứu
Người này phải mở được một luồng ân liên quan đến việc chữa bệnh, vì chữa bệnh chính là ban ân, trong đó ân cứu sinh mệnh tương đương với ân cha mẹ sinh thành và dưỡng dục, cho nên có câu “thày thuốc như mẹ hiền”.
Làm ơn mắc oán
Có một ranh giới mong manh giữ huyền thuật và tà thuật, giữa ân và oán, giữa bệnh tật và quá trình chuyển hoá duyên nghiệp tự nhiên.
Cho nên nếu chưa nên cái thân người, chưa ra cái hồn người thì đừng trồng ngải để chữa bệnh cho bất kỳ ai, vì cây mình trồng cũng không ra cái hồn cây, không ra ngải, mà hãy tự trồng lấy chính mình, tự chữa cho mình, tự tu cho nên cái thân người, ra cái hồn người của chính mình trước.
—o—o—o—
5. TRỒNG NGẢI ĐỂ KIỂM SOÁT, LÀM TÀ THUÂT : NGẢI BÙA, NGẢI OÁN
Cách dùng thứ năm là dùng ngải để kiểm soát, điều khiển, tác động đến người khác trái với mong muốn của họ và nằm ngoài nhận thức của họ.
Đây là con đường oán, thường dành pháp sư, thày bà, bao gồm những người luyện ngải bằng máu huyết để điều khiển và kiểm soát người khác.
Người sa đà vào con đường dùng bùa ngải để tác động vào người khác, làm lợi cho mình và làm hại cho người, sớm hay muộn cũng tự rước hoạ thân. Khi một người chơi bùa ngải, con đường trả nghiệp của người ấy đi nhanh hơn rất nhiều, vì nhân quả đâu đã có đó rồi.
Người không chủ động chơi bùa ngải cũng có thể là nạn nhân của bùa ngải. Bùa ngải hiện giờ tràn ngập khắp nơi. Thày bà dùng ngải để thu hút tín đồ, sùng bái vây quanh, nói gì cũng nghe. Trong các lớp tâm linh, các khoá chữa lành, các buổi rèn luyện sức khoẻ, các buổi nhận thông điệp … học sinh hừng hực khí thế hay khóc lóc xúc động, tất cả bởi vì bùa ngải của thày. Ra đường gặp người lạ, hỏi đường hay công an giả danh hỏi giấy tờ là bị dính bùa ngải, mất hết tiền bạc, tài sản. Ở nhà mở cửa cho người lạ cũng vẫn dính bùa, rồi tự động đưa cho người lạ bao nhiều tiền và đồ. Hiện nay chúng ta không cần sang Ấn Độ, Campuchia, Thái Lan, Maylaysia … không cần gặp thày bà đến từ các nước đó, cũng không cần lên núi Cấm An Giang hay đến các vườn ngải, cũng vẫn bị dính ngải. Hiếm có gia đình nào, xóm làng nào không có người bị bùa ngải. Gặp ngải giờ dễ như ăn thức ăn hoá chất vậy.
—o—o—o—
6. NGẢI ĐỂ ĐỠ CHO CÁC VỤ ĐỔ MÁU & MẤT MÁU LỚN
Ngải là cây thu, cây máu, nên các vụ thảm sát, đổ máu, mất máu lớn do con người hay do thiên tai đều rung động đến các cây ngải tổ
– Đổ máu do con người
– – Thảm sát
– – Chu di
– – Chiến tranh, đặc biệt là
– – – Các chiến trường lớn như đường Trường Sơn, trên đất liên và trên biển, đường biên giới với Trung Quốc, đường biên giới với Campuchia
– – – Các trận chiến lớn như Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên
– – Diệt chủng
– Đổ máu do thảm hoạ thiên nhiên
– – Lũ lụt
– – Dông bão
– – Lốc xoáy
– – Lở đất
– – Động đất
– – Sụt lún
– – Cháy rừng
– – Núi lửa
Các sự kiện lớn như thế này cần được đỡ bởi một nhóm người cực kỳ thấu hiểu về duyên nghiệp ân oán, có kết nối về bản chất sâu sắc với đất nước xứ sở và các cây ngải tổ và các trường ngải ở các cánh rừng thiêng mà càng nguyên sinh càng tốt.
—o—o—o—
CÂY CỘI : LẤY LẠI CÁI MÀ CHÍNH MÌNH ĐÃ MẤT
Một người chỉ có thể lấy lại được cái thuộc về mình, mà mình đã làm mất trong quá trình sống. Càng mất cái của mình, càng thiếu cái của mình, thì chúng ta lại càng phải vay, phải mượn. Vay mượn là lấy cái thuộc về người khác để dùng, mà cứ coi như đó là cái của mình. Nhưng “oan có chủ, nợ có đầu”, nợ rồi sẽ phải đền đáp, vay mượn rồi sẽ phải trả.
Lấy lại cái mình đã mất để mình được là chính mình, để mình không sống trong vay mượn, để kết thúc duyên nghiệp oán ân từ đời này sang đời khác với những người khác, chính là cái gốc của việc dùng Ngải, cho nên cây Ngải Tổ mới gọi là cây Cội.
Một người làm vườn đích thực là người phải đi trên cả hai con đường
– Con đường của cây Cội,
– – Con đường trồng ngải và kết nối với ngải
– – Con đường bóng tối, con đường thanh âm, con đường trăng sao
– – Con đường tinh thần, lý trí, ý chí và tình cảm
– – Con đường duyên nghiệp, con đường oán ân,
– – Con đường của trở về với gốc
– – Con đường đồng sinh đồng tử
– Con đường của cây Sự sống
– – Con đường trồng và thu hoạch cây lương thực, cây hoa màu, cây củ quả, cây rau
– – Con đường mặt trời, con đường ánh sáng
– – Con đường bản năng, con đường thân thể
– – Con đường phát tán, phát triển, sinh sản và sinh trường
– – Con đường mong cầu, mơ ước, con đường tham sân si
– – Con đường vườn đồng rừng.
Hai con đường của người làm vườn chính là hai cách làm vườn mà cân bằng và hỗ trợ cho nhau.