MẪU TIÊN DUNG CHÂU & NĂM VỊ THUỶ THẦN QUẢNG ĐẠI VƯƠNG

Loading

MẪU TIÊN DUNG CHÂU

Mẫu Tiên Dung Châu, tên đầy đủ là Đệ Nhị Tiên Cung, Giáng Tiên, Tiên Dung Châu là vị Thánh Mẫu được thờ ở Ứng Hoà – Phú Xuyên, xứ Sơn Nam Thăng Long xưa, nay là phía Nam của Hà Nội, ở ngã ba sông Châu Giang và sông Nhuệ. Sinh thời Mẫu Tiên Dung Châu đã đi thuyền xuôi theo sông Nhị Hà, từ cửa sông Nhuệ ở đình Chèm đi về đây, gặp đám mây ngũ sắc nên dừng lại sinh năm vị Quảng đại vương ở đây. 
Xưa kia ngã ba sông này là ngã năm sông. Sông Nhị Hà, sau khi gặp Gò Chèm, tạo ra một nhánh bao lấy thành Thăng Long, chính là sông Nhuệ, đến khu vực này gặp sông Châu Giang, lại chia thành sông Gáo, sông Măng Giăng và sông Sa Giang. Cây cầu bắc qua ngã năm sông này gọi là Cầu Cống Thần, nơi các sông rẽ nhánh gọi là Giẽ.

SỰ TÍCH MẪU TIÊN DUNG CHÂU

Theo https://nguoihanoi.vn/su-tich-thanh-hoang-va-di-tich-xa-thinh-duc-thinh-duc-ha-26475.html
Theo cuốn Ngọc phả trong Thư viện Hán Nôm tựa đề “Lễ bộ Thượng thư, Quản giám Bách thần, triều Lê, phụng sao Thần tích cổ truyện” do PGS. TS Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) dịch:
“Kính phục sắc chỉ của Hoàng Đế Bệ Hạ. Sắc phong cho Sa Giang Quảng Bác, đền thiêng linh ứng, hùng tuấn uy linh, tôn nghiêm chính thuận, sơn xuyên tạo dựng tinh anh, sông biển hun đúc khí, cao phối tới trời, dầy sánh với đất. Bảo vệ đất nước, che chở cho dân, tiếng tăm và anh linh của Thần rạng rỡ. Âm phù vận nước, cao vời sáng suốt, dựng công tích lớn lao. Đã lấy anh linh tạo dựng việc tốt lành, vận dụng thần cơ kỳ diệu, lại thể hiện thần công cảm ứng rõ ràng. Cơ đồ nhà vua được bền vững, ban ân huệ rộng khắp nơi nơi, giáo hóa văn minh, căn cứ theo ngọc phả sắc phong cho Thần vào hàng Thượng Đẳng.
– Sắc cho Thần là: Đại Đô Thành hoàng Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai, Sa Giang linh từ kính phục sắc chỉ.
– Ban cho trang Thịnh Đức, tổng Thịnh Phúc, huyện Phù Lưu, thờ phụng Ngài.
Ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn, Đệ nhị tiên cung là Tiên Dung Châu, xuất thần hiện ra, là tiền nhân giáng sinh, tên là Giáng Tiên. Khi nàng trưởng thành da trắng mịn màng, tóc óng như gương, mắt sáng long lanh như trăng thu. Người xưa ví nàng như hoa biết nói, như ngọc sinh hương, sắc đẹp tuyệt vời không tả xiết. Nàng thường ở nhà một mình chuyên tâm học hành đọc sách, không cần người dạy mà vẫn giỏi sáo đàn, tinh thông âm luật, tài năng sánh được với nàng Lộng Ngọc vợ vua Thuấn. Những lúc rỗi rãi, nàng thường nhàn du ở Thăng Long đất Giao Chỉ, tình cờ gặp gỡ vua Hùng thứ 8 là Hùng Vỹ Vương, vua rất ưng ý triệu về cung và phong nàng làm Cung phi chính thất.
Hai năm sau thì có thai, tròn 12 tháng, vào ngày 10 tháng 6 năm Giáp Ngọ, Mẫu chèo du thuyền xuôi tới Ngã Ba Sa (nơi hội tụ của sông Sa, sông Nhuệ và sông Mang Giang) thấy cây cối tốt tươi, dân cư đông đúc, bèn hạ lệnh cắm thuyền lại tắm gội; đến ngày 12 tháng 11 năm Thân, Đức Hoàng hậu Ngọc Tiên Dung Châu sinh hạ được một bọc nở ra 5 người con trai. Người xưa vẫn ca ngợi “Nhất bào ngũ tử”, hôm đó hương thơm ngào ngạt không gian, mọi người đều mừng rỡ.
Vua cha ban thưởng nhiều bạc vàng, châu báu, gấm vóc, ban cho sắc phong và quan chức thật vinh hiển. Nhưng Đức Hoàng Hai đều khước từ, chỉ một mực xin: Khi nào hóa được về yên nghỉ tại chỗ Mẫu thân đã khai hoa, chôn rau cắt rốn. Công lao của các thánh thần lưu truyền vạn cổ, Quảng Bác hiển linh tên tuổi ngàn năm còn trong sử sách, mãi mãi linh thiêng phù giúp cơ đồ. Công tích lớn lao trừ di át dịch, vận nước dài lâu, công lao Thần ghi rõ trong thần tích của các địa phương.
Cả 5 anh em đều là quý tử, sinh cùng ngày, rồi lại cùng hóa. Sau khi hóa, vua ban cho sắc chỉ phong là Thủy thần, hội họp các quan trong triều sai quan Giám Quốc sư phát sắc phong thần cho 72 nơi thờ phụng. Giám Quốc sư mang sắc đến trang Thịnh Đức, thuộc huyện Phù Lưu triệu tập các vị bô lão trao sắc và 30 quan tiền để dân thiết lập đền miếu thờ thần. Đền nằm theo hướng Tây Bắc, nhìn sang Đông Nam, phía trước là ngã ba sông, phía sau có núi, nước bao quanh, ngôi đền cao vọi ở giữa, thế đất ở đây giúp cho nhiều người giàu có và sản sinh ra nhiều anh tài. Dân trang Thịnh Đức được trao nhiệm vụ phụng sự linh từ mãi mãi muôn đời”.
Sau khi được tấn phong Hoàng hậu Tiên Dung Châu có dịp lưu dấu ở chùa Phúc Nhuệ Tự (chùa Rồi) thuộc thôn Cựu (Vân Từ, Phú Xuyên) để xin đức Phật ban phước lành cho mình và cho muôn dân. Chùa xây dựng khoảng trên 500 năm nay, chùa rất linh, trong chùa có một giếng thiên tạo quanh năm nước đầy; trong hậu cung ở đền Ba Sa thôn Thần có một cái giếng nhỏ rất sâu lỗ khoảng 40 phân vuông, nếu thả một quả bưởi xuống đó thì theo mạch nước ngầm nó sẽ trôi về giếng chùa Rồi.

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ MẪU TIÊN DUNG CHÂU

 

Mẫu Tiên Dung Châu được thờ chính ở ba nơi
– Đền Ba Sa, thôn Thần, xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Thôn Thần có cầu Cống Thần, bắc qua điểm giao của 5 con sông và là nơi mẫu sinh bọc “Nhất bào ngũ tử”. 
– Đình Giẽ Hạ, thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Thôn Giẽ Hẹ nằm bên cạnh thôn Thần, đều bên bờ sông Châu Giang. Địa danh Kẻ Giẽ xưa nay trở thành tên thôn Giẽ Hạ, Giẽ Thượng và Cầu Giẽ.
– Chùa Phúc Nhuệ Tự (chùa Rồi), thôn Cưu (Vân Từ, Phú Xuyên).
Ngày 12 tháng 6 âm lịch, dân chúng hàng tổng Thịnh Đức, cả 6 thôn (Thượng, Hạ, Thần, Bùng, Cầu và Thủy Phú) lại mở đám lớn lễ hội cầu phúc (xưa 10 ngày) nay còn 2 ngày (ngày 11/6 âm lịch tổ chức lễ Bao sái mục dục dâng cúng thanh bông hoa quả).

LỄ HỘI ĐỀN BA SA

Mẫu Tiên Dung Châu
– Ngày sinh : 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn
5 vị Thuỷ Thần Quảng Đại Vương
– Ngày sinh : 12 tháng 6 năm Giáp Ngọ
– Ngày hoá : 12 tháng 11 năm Giáp Thân
Có một số lưu ý
– Mẫu sinh vào Tết Nguyên Tiêu và vào năm bắt đầu chu kỳ Can Chi 60 năm
– Các ngày sinh hoá của Mẫu và các con đều vào năm Giáp, liên quan đến vận hành giáp vòng
5 Lạc tướng, con của Mẫu đều được phong là Thượng Thượng Đẳng Thần – Thuỷ Thần Quảng Đại Vương
– Thượng Đẳng Thần Quảng Xung Linh Tế Đại Vương
– Thượng Đẳng Thần Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương
– Thượng Thượng Đẳng Tối linh từ Quảng Xuyên Linh Quang Đại Vương (tại xã Quảng Tái, huyện Sơn Minh);
– Thượng Đẳng Thần Quảng Tế Linh Ứng Đại vương
– Thượng Đẳng Thần Quảng Hóa Cư Sỹ Đại vương
Các ngày lễ hội đền Ba Sa
– Ngày 12/6 âm lễ chính cầu phúc (có cờ quạt rước Thủy thần Tam Giang về nhập tịch, tổ chức hát xướng, dâng cúng hoa quả + cỗ chay + xôi + rượu + gà + lợn) tại đền, đình thờ Thần Đức Thánh Quảng Bác và Đức Quốc Mẫu Ngọc Tiên Dung Châu.
– Ngày 12 tháng 11 âm ngày hóa của Thần làm lễ cầu phúc dâng cúng thanh bông hoa quả, cỗ chay.
Lệ hàng năm, ngày Rằm tháng Giêng Tiên Mẫu giáng hạ (dùng lễ cỗ chay, cắt giấy ngũ sắc, tổ chức ca hát).
– Ngày 10 tháng 2 âm hàng năm, làm lễ tế xuân (lễ vật tùy nghi).
– Ngày 10 tháng 5 âm hàng năm, làm lễ cơm mới (lễ vật tùy nghi).
– Ngày 12 tháng 6 âm hàng năm, làm lễ cầu phúc (dùng cỗ chay, cờ quạt rước Thủy thần Tam Giang về nhập tịch, làm lễ mục dục, tổ chức hát xướng.
– Ngày 12 tháng 11 âm hàng năm, làm lễ cầu phúc (lệ như trên).
– Ngày 10 tháng 8 âm hàng năm, tế thu (tùy nghi).
Điều cực kỳ đặc biệt là trong lễ hội Thuỷ Thần Tam Giang được mời về nhập tịch.
– Thần Tam Giang (Thạch Khanh – Thổ Lệnh), chuyên giữ các ngã ba sông. Ngài được thờ ở ngã ba Bạch Hạc nơi có tích về thần Thạch Khanh & thần Thổ Lệnh. Trong một số tích, hai ngài cũng được sinh ra trong bọc 5 anh em. Ngã Ba Bạch Hạc liên quan đến tích dòng máu Bách Việt vì đây là nơi hoá của mẫu Tiên Cát, vợ của Kinh Dương Vương, đồng thời là nơi Vua Hùng thứ 18 kén rẻ (Sơn Tinh và Thuỷ Tinh)
– Thánh Tam Giang (Trương Hống, Trương Hát) được thờ dọc sông Cầu, cũng sinh ra trong một gia đình gồm năm anh em, bốn trai, một gái. Sông Cầu là một trong 6 con sông của Lục Đầu Giang, và liên quan đến tính bắc cầu và giáp vòng, liên quan đến sự kết nối và quy tụ của các con sông.
CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ 5 VỊ THUỶ THẦN QUẢNG ĐẠI VƯƠNG
Các điểm thờ các vị Đại Vương
– Đền thờ Quảng Xung Linh Tế Đại vương ở xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An : Đền Hữu Vĩnh (nay ở ngã ba sông Châu Giang và sông Đáy)
– Đền thờ Quảng Bác Uyên Dung Đại vương ở xã Thịnh Đức, huyện Phú Xuyên : Đền Ba Sa, Đình Thôn Cầu, Đình Thôn Bùng, nay là xã Minh Đức, Ứng Hoà; Đình Giẽ Thương, Đình Giẽ Hạ nay là xã Phú Yên, Phú Xuyên (5 đình đền hiện nay ở quanh ngã ba sông Nhuệ và Châu Giang)
– Đền thờ Quảng Xuyên Linh Quang Đại vương ở xã Quảng Tái, huyện Sơn Minh : Đình Quảng Tái
– Đền thờ Quảng Tế Linh Ứng Đại vương ở xã Bài Nhiễm, huyện Duy Tiên : Bài Nhiễm là tên xưa, nay tên là Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam, ở đây có đình, chùa và cây đa di sản thôn Thần Nữ
– Đền thờ Quảng Hoá Cư Sĩ Đại vương ở xã Vĩnh Trung, huyện Thanh Trì : Đền Bìm Bái (khu ngã ba Lương Giang nay nằm giữa huyện Phú Xuyên, Hà Nội với huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam)
Sơ đồ này tạo nên một mạng nhện toả ra từ Ba Sa – Cống Thần, mà chúng tôi tạm xếp như sau
– 5 con sông quy tụ ở Cống Thần, thôn Thần, đó là điểm thờ Mẫu Tiên Dung Châu (đền Ba Sa), mỗi con sông ứng với một vị Thuỷ Thần Quảng Đại Vương mà tôi xin tạm xếp như sau
– – – Quảng Xung : Sông Gáo Giang
– – – Quảng Bác : Sông Châu Giang
– – – Quảng Xuyên : Sông Măng Giang
– – – Quảng Tế : Sông Nhuệ Giang
– – – Quảng Hoá : Sông Sa Giang
– 5 vị thuỷ thần theo 5 dòng sông toả ra 5 hướng và được lập đền thờ riêng ở các ngã ba sông của 5 con sông này với các con sông khác,
– – – Quảng Xung : nay là ngã ba sông Đáy (Hát Giang) và sông Châu Giang
– – – Quảng Bác : nay là ngã ba sông Nhuệ Giang và sông Châu Giang
– – – Quảng Tế : ngã ba sông Nhuệ Giang và 1 sông cổ khác
– – – Quảng Xuyên : ngã ba sông Măng Giang và 1 sông cổ khác
– – – Quảng Hoá : ngã ba với sông Lương Giang (gọi là ngã ba Lương)
Tại tất cả các điểm thờ 5 vị Thuỷ Thần Quảng Đại Vương, tích gốc về Mẫu Tiên Dung Châu đều được ẩn đi, mà có tích khác với tên các vị thần, sự kiện và ngày tháng đều khác. Ví dụ, đền Đức Thánh Cả Hữu Vĩnh thờ vị tướng ‘Nhất phẩm đại vương’ triều tiền Lý Nam Đế, vị này có thể là
– – – Đời sau của Đức Thánh Cả ở đời vua Hùng Vương thứ 8 : khả năng cao nhất
– – – Vị thần giữ các con sông khác tại giao với con sông của Đức Thánh Cả
– – – Vị thần Tam Giang
Trong tích nói rằng 5 vị Thuỷ Thần Đại Vương sẽ được thờ ở 72 điểm. 72 = 6 x 12 với 6 là con số của 6 nguyên tố & 12 là bến nước (tân giang/bến giang). Điều này nghĩa là mạng lưới này sẽ được mở rộng đến các bến bờ sa và xa hơn nữa.
Có ít nhất 15 điểm thờ Đức Thánh Cả trải từ Bắc Ninh xuống Nghệ An, ngoài đền Hữu Vĩnh
– Đền đức Thánh Cả Hữu Vĩnh, Ứng Hoà, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, thôn Thái Bình, Vạn Thái, Ứng Hoà, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Thị trấn Phú Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội
– Lăng đức Thánh Cả, Thuỵ Hương, Chương Mỹ, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Thôn Vĩnh Lại, Vụ Bản, Nam Định
– Đền đức Thánh Cả, đường Đức Thánh Cả, Vân Gia, Ninh Bình
– Đền đức Thánh Cả, Yên Khánh, Ninh Bình
– Đền đức Thánh Cả, Đại Đồng Tiên Du Bắc Ninh
– Đền đức Thánh Cả, Dốc hậu đền, Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên
– Đền đức Thánh Cả, đường Phạm Thế Hiển, thị trấn Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình
– Đền đức Thánh Cả, Đa Lộc, Hậu Lộc, Thánh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thánh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, số 3 đường Đức Thánh Cả, Phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, Nam Đàn, Nghệ An
Có ít nhất 1 điểm thờ Đức Thánh Hai tại Hà Tĩnh
– Đền đức Thánh Hai, ở bên bờ sông Ngàn Sâu, thôn 2, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh
Điều này cho thấy mạng lưới này sẽ được mở ra rất rộng ra như một tấm lưới nhện cực lớn theo các không gian thời gian và cảnh giới khác nhau. Đó cũng là ý nghĩa của chữ Dung Châu
Các lưới này là tính mộc, vận hành như một cây sự sống, bởi vì Mẫu Tiên Dung Châu là Đệ Nhị Tiên Cung, nghĩa là Mẫu Thượng Ngàn.
Lưu ý
– 5 vị Thuỷ Thần Đại Vương giữ luồng (giang) trong các không thời gian và các cảnh giới khác nhau : là các sợi to nhện
– Thần Tam Giang là vị thần giữ cổng không thời gian, nơi các dòng chảy và các xứ sở giao nhau (tam giang) : là các mắt lưới nhện
Trong lễ hội đền Ba Sa, Thuỷ Thần Tam Giang có vai mở chìa khoá tại các mắt lưới, để các luồng về lại được Ba Sa. Đó chính là ý nghĩa là nghi thức nhập tịch của Thuỷ Thần Tam Giang

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ ĐỨC THÁNH CẢ – QUẢNG XUNG
Theo thần tích về Mẫu Tiên Dung Châu, đức Thánh Cả được thờ ở xã Hữu Vĩnh, huyện Hoài An, nay là thôn Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, hiện nay có hơn mười ngôi đền mang tên Đức Thánh Cả, nhiều nhất là ở xứ Sơn Nam, nơi có thần tích về Mẫu Tiên Dung Châu
– Đền đức Thánh Cả Hữu Vĩnh, Ứng Hoà, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, thôn Thái Bình, Vạn Thái, Ứng Hoà, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Thị trấn Phú Xuyên, Phú Xuyên, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Dũng Tiến, Thường Tín, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội
– Lăng đức Thánh Cả, Thuỵ Hương, Chương Mỹ, Hà Nội
– Đền đức Thánh Cả, Thôn Vĩnh Lại, Vụ Bản, Nam Định
– Đền đức Thánh Cả, đường Đức Thánh Cả, Vân Gia, Ninh Bình
– Đền đức Thánh Cả, Yên Khánh, Ninh Bình
– Đền đức Thánh Cả, Đại Đồng Tiên Du Bắc Ninh
– Đền đức Thánh Cả, Dốc hậu đền, Phú Thịnh, Kim Động, Hưng Yên
– Đền đức Thánh Cả, đường Phạm Thế Hiển, thị trấn Diêm Điền, Thái Thuỵ, Thái Bình
– Đền đức Thánh Cả, Đa Lộc, Hậu Lộc, Thánh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, Hưng Lộc, Hậu Lộc, Thánh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, số 3 đường Đức Thánh Cả, Phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá
– Đền đức Thánh Cả, Nam Đàn, Nghệ An
Mỗi nơi thờ đức Thánh Cả lại có tích riêng gắn với các thời kỳ lịch sử khác nhau, mới nghe dường như không liên quan gì đến Đức Thánh Cả, con Mẫu Tiên Dung Châu.
– ĐỀN HỮU VĨNH
Đức Thánh Cả, thôn Hữu Vĩnh có tên chữ là đền Thiên Vựng hay đền Vựng, còn gọi là đền Hữu Vĩnh theo tên thôn. Đền Hữu Vĩnh nằm ở gần ba sông Châu Giang và sông Đáy, quay mặt ra sông, quay lưng về núi Hàm Long. Đây là một ngôi đền rất nổi tiếng và là đền gốc theo tích về mẫu Tiên Dung Châu.

Đền thờ thần là vị tướng “Nhất phẩm đại vương” triều Tiền Lý Nam Đế. Theo tích tại đền thì vị tướng ‘Nhất phẩm đại vương’ triều tiền Lý Nam Đế có thể chính là đời sau của Đức Thánh Cả, đời vua Hùng Vương thứ 8. 

Theo https://hanoimoi.vn/hoi-den-thanh-ca-232179.html : Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” và thần phả, sắc phong hiện lưu giữ tại đền do Hàn Lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Quản giám bách thần tri điện Nguyễn Hiền phụng sao năm Vĩnh Hữu lục niên (1740) thì Thần thuộc dòng dõi Kinh Dương Vương, con cháu vua Hùng. Sinh thời, Thần là một vị tướng phò Lý Bôn dẹp giặc Lương xâm lược. Thần vốn là người có tài thao lược thuỷ quân, được Lý Bôn phong làm “Tổng thống quân vụ thuỷ đạo thượng tướng quân”. Ngài cùng với Đại tướng Phạm Tu thống lĩnh quân sĩ, phía Bắc dẹp tướng giặc Tiêu Tư nhà Lương, phía Nam dẹp giặc Chăm-pa xâm lược. Diệt xong giặc, đất nước thanh bình, ngày 6 tháng 12, Ngài đi xe mây về cửa sông Hát thuộc trang Hữu Vĩnh, hào quan sáng rực một vùng. Ngài hoá tại nơi đây – nơi thân mẫu đã sinh ra Ngài. Hiển thánh, Ngài được Lý Nam Đế phong sắc “Nam Thiên linh ứng tối linh thượng đẳng tôn Thần”.

– ĐỀN ĐỨC THÁNH CẢ, VẠN THÁI
Đền Đức Thánh Cả tọa lạc bên sông Đáy, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa.

Tương truyền rằng thời Vua Hùng dựng nước, truyền đến đời thứ VI là Hùng Huy Vương, ngự trị cõi trời Nam (thống nhất 15 bộ), Họ Hùng đứng đầu một bộ đem quân đi Kinh lý ở xứ Sơn Nam và Hải Dương trừ giặc giã. Đức Công sai quan địa phương chống giặc, ngài đem quân qua phủ Ứng Thiên huyện Hoài An (tức huyện Ứng Hòa ngày nay). Đêm nghỉ tại huyện đường, ngài vừa chợp mắt thì thấy người đầu đội mũ ngọc, đai gấm, mặc Hoàng Bào phủ giáp vàng, tay cầm con con giao long từ dưới sông tiến lên trước Đức Công xin cúi đầu hành lễ. Đức Công hỏi tên và thắc mắc ngạc nhiên thấy người đó làm lễ ôn nhu, người đó tấu thưa: Tôi vâng mệnh trời trấn thủ giải sông Đại Đường, thấy Ngài phúc hậu, bởi thế trời cho tiểu thần vào làm con Ngài để báo cái đức ấy. Nói xong bèn trao con giao long cho Đức Công, chợt tỉnh mới biết đó là nằm mơ. Đức Công nói chuyện cùng huyện quan và cưỡi xe đến đất Đại Đường châu để xem thực hư ra sao. Xong việc Ngài tiến binh đi kinh lược ở 2 xứ quét sạch giặc giã về triều tạ ơn Vua, quay về nhiệm sở

Năm ấy Đức Công 39 tuổi, phu nhân họ Nguyễn 35 tuổi trải qua hoài thai gần 14 tháng sinh được một người con trai, khôi ngô tuấn tú vào ngày 12 tháng 4 năm Bính Ngọ, giờ thân đặt tên là Bột Hải Quan. Bột Hải Quan trải qua năm tháng trưởng thành, được Đào Công cho đi học, thông minh vượt bậc, văn thao võ lược. Khi 16 tuổi cha mất (rằm tháng 7), Ngài thay cha làm Tỉnh trưởng, một thời gian được Vua phong làm quan Bồ Chính ở trong triều.

Lúc ấy giặc nhà Ân phương bắc đem quân trăm vạn sang cướp nước ta, Vua phong ngài làm Đại tướng đem quân đi chống giặc ở vùng Châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh ngày nay). Sau đó đem quân về xã Trinh Tiết, huyện Mỹ Đức ngày nay, đến xa Đại Đường tức thôn Thái Bình thấy địa thế tiến có thể đánh, lui có thể giữ bèn sai lập 5 đồn binh chống giặc, ngoài ra còn dạy dân sản xuất, học hành, trị bệnh, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Nhân dân cảm ơn công lao của Ngài đã cho 200 con em tham gia quân ngũ đánh giặc, sau Vua triệu về triều bàn mưu phá giặc và thăng chức cho Ngài làm Thống Chế Thủy Bộ chư quân cùng Phù Đổng Thiên Vương chống giặc ngoại xâm. Ngài đem binh mã và thuyền bè đến xứ Hải Dương gặp quân giặc Ân. Ngài huy động thủy bộ tiến đánh đại phá quân Ân, các đại quân khác cũng đại thắng đem lại thanh bình cho đất nước.

Vua cho triệu về triều, ngài đem quân quay về bãi sông xã Đại Đường, huyện Hoài An (tức thôn Thái Bình, huyện Ứng Hòa ngày nay) thì hóa vào ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (Theo thần phả). Khi thuyền Ngài đến giữa sông có chiếc thuyền rồng nổi lên, tiếng gọi lớn rằng đã dẹp giặc xong hãy mau trở về Thủy Quốc. Ngài bước sang thuyền rồng rồi biến mất. Vua sai sứ đem sắc chỉ, mũ áo về tế và giao cho các quan địa phương cùng nhân dân địa phương xây đền Hộ Nhi Hương Chính để thờ. Trải qua các triều đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều có sắc phong.

– Đền Đức Thánh Cả còn thờ phụng bốn vị bộ tướng khác cùng đức Thánh Cả, (Quý Minh Thượng Đẳng, Minh Pháp Tôn Thần, Chiêu Pháp Tôn Thần, Nguyễn Thượng Đẳng Thần) tổng cộng đúng là 5 vị

– ĐỀN ĐỨC THÁNH CẢ BAO NGẠN

Đền Đức Thánh Cả làng Bao Ngạn thờ ba vị tướng thời Thục phán An Dương Vương có công phò vua cứu nước. Khi Thục Phán An Dương Vương trị vị nghe tiếng nhà ông Vũ Kim có 3 con trai đều tài giỏi, văn võ song toàn, liền xuống chiếu cầu tài, mời ba anh em về triều phò vua giúp nước. Cả ba anh em Lân Công đều lập được thành tích trong việc bảo vệ biên cương, sửa sang đất nước, được nhà vua tin dùng. Ba anh em thường được giao đi kinh lý các vùng kiểm tra việc làm ăn sinh sống của nhân dân, để có chính sách thích hợp hơn mang lại đời sống ấm lo cho nhân dân, nhằm củng cố đất nước.

Có một ngày, ba anh em Lân Công tới làng Bao Ngạn thuộc huyện Thụy Anh thấy thế đất sơn thủy hữu tình, nhân dân phong tục thuần hậu, ba anh em lưu lại một tháng cùng nhân dân lập các đồn doanh để củng cố làng mạc, chống giặc ngoại xâm. Nhân dân thấy ba ông đối xử với dân làng rất chân tình liền dựng ba cung trên đất Bao Ngạn để ba ông đóng quân, nghỉ ngơi trong thời gian giúp nhân dân sản xuất, xây dựng củng cố làng mạc.

Khi Triệu Đà sang xâm lược, Lân Công cùng hai em làm tướng phò vua giết giặc. Qua nhiều trận đánh các ông cùng với nhiều tướng lĩnh khác phò vua đánh bại Triệu Đà. Một ngày nọ, Lân Công cùng vua đi du ngoạn trên sông Hồng chẳng may bị đột tử, nghe tin, ông hai ở Bao Ngạn, ông ba ở Tuyên Quang vô cùng đau buồn rồi lâm bệnh mất cùng một ngày (5/9 âm lịch). Thục vương xuống chiếu lệnh cho dân Bao Ngạn lập đền thờ ba anh em Lân Công tại những nơi khi sống các ngài đã lập đồn doanh .

Từ đó, khu vực Bao Ngạn xưa (nay là Bao Hàm) có ba ngôi đền thờ ba vị có sắc của nhà vua ban tặng.

Đến thế kỷ XIII, tại vùng ven biển Diêm Điền, Trần Quốc Tuấn đến nghỉ tại đền Đức Thánh Cả đã lập đàn tế cầu xin các thánh âm phù cho thắng trận. Sau chiến thắng quân Nguyên (1285, 1288), vua Trần đều có sắc phong tặng cho các vị thần như sau:

Đức Thánh Cả: Lân Linh Đại Vương;

Đức Thánh Đệ Nhị: Thần Hoàng Đại Vương thượng đẳng thần;

Đức Thánh Đệ Tam: Tuyên Quang đại vương.

Sau những biến thiên lịch sử, ngôi đền Đức Thánh Đệ Nhị và Đức Thánh Đệ Tam bị dỡ làm trường học, hai vị thánh được dân làng Bao Hàm rước về thờ tại Đền Đức Thánh Cả. Đồng thời, tại đền Đức Thánh Cả còn phối thờ Đạt Đạo Đại Vương (Ngô Đạt) – được Trần Hưng Đạo phong làm “Đốc Hậu đại tướng quân” ở thế kỷ thứ XIII, thời Trần Thánh Tông năm thứ 16 và một vị nhân thần là con gái nuôi vua Lê Lợi – công chúa Lê thị Ngọc Dung, người có công giúp vua Lê đánh giặc Minh. Được vua Lê phong tặng “Biển quốc Đoan Trang – Trinh thục từ hóa chính phương nương Đại vương”.

– ĐỀN ĐỨC THÁNH CẢ ĐA LỘC

Đền đức Thánh Cả, Đa Lộc, Hậu Lộc, Thánh Hoá thờ Tứ Vi Thánh Nương

– ĐỀN ĐỨC THÁNH CẢ (VĨNH LẠI)

Đền và chùa Vĩnh Lại thuộc xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Đền Vĩnh Lại thờ hai ông Bạch Đằng và Cao Lộc giúp Hai Bà Trưng đánh quân Hán xâm lược. Tương truyền hồi đó ở huyện Phong Châu có ông Bạch Bằng và bà Hoàng Thị Đảng ăn hiền ở lành. Vào ngày 10 tháng 2 năm Giáp Ngọ bà sinh ra một trai tuấn tú đặt tên là Bạch Đẳng. Năm Bạch Đẳng 16 tuổi, cha mẹ đều mất, ông theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được Trưng Trắc nhận làm con nuôi. Cao Lôi vốn là con ông Cao Điện và bà Hàn Thị quê ở Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc (sinh ngày 15 tháng chạp năm Bính Thân) tương truyền ông có giọng như sấm vang nên gọi là Cao Lôi. Cha mẹ mất sớm, ông ở với cậu ruột là Hàn Công Chiêu học hành và luyện tập võ nghệ. Sau khi cậu bị Tô Định giết, ông theo phò tá Hai Bà Trưng và kết nghĩa anh em với Bạch Đẳng. Hai ông về trang Vĩnh Phúc huyện Thiên Bản mộ quân và lập đồn cùng Hai Bà Trưng chống giặc thắng lợi. Hai ông ở lại đất xưa, khuyên dân làm ăn lương thiện. Ít lâu sau, Hán Vũ Đế sai Mã Viện sang. Mùa xuân năm Quý Mão (43) Hai Bà Trưng và các tướng sỹ do thế yếu phải rút chạy. Hai ông và một số quân tướng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Nhân dân trang Vĩnh Phúc thương tiếc, lập đền thờ hai ông trên đất đồn binh xưa. Vua Đinh đã phong “Đương cảnh Thành hoàng Bạch Đằng tôn thần” và “Lôi công Đại vương tôn thần”. Ngoài thờ hai ông, đền Vĩnh Lại còn thờ các tổ lập làng mở đất.

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ ĐỨC THÁNH HAI – QUẢNG BÁC
https://nguoihanoi.vn/su-tich-thanh-hoang-va-di-tich-xa-thinh-duc-thinh-duc-ha-26475.html
Theo cuốn Ngọc phả trong Thư viện Hán Nôm tựa đề “Lễ bộ Thượng thư, Quản giám Bách thần, triều Lê, phụng sao Thần tích cổ truyện” do PGS. TS Đỗ Thị Hảo (Viện Hán Nôm) dịch (phần liên quan đến Đức Hoàng Hai)
Vua cha ban thưởng nhiều bạc vàng, châu báu, gấm vóc, ban cho sắc phong và quan chức thật vinh hiển. Nhưng Đức Hoàng Hai đều khước từ, chỉ một mực xin: Khi nào hóa được về yên nghỉ tại chỗ Mẫu thân đã khai hoa, chôn rau cắt rốn. Công lao của các thánh thần lưu truyền vạn cổ, Quảng Bác hiển linh tên tuổi ngàn năm còn trong sử sách, mãi mãi linh thiêng phù giúp cơ đồ. Công tích lớn lao trừ di át dịch, vận nước dài lâu, công lao Thần ghi rõ trong thần tích của các địa phương.
Giám Quốc sư mang sắc đến trang Thịnh Đức, thuộc huyện Phù Lưu triệu tập các vị bô lão trao sắc và 30 quan tiền để dân thiết lập đền miếu thờ thần. Đền nằm theo hướng Tây Bắc, nhìn sang Đông Nam, phía trước là ngã ba sông, phía sau có núi, nước bao quanh, ngôi đền cao vọi ở giữa, thế đất ở đây giúp cho nhiều người giàu có và sản sinh ra nhiều anh tài. Dân trang Thịnh Đức được trao nhiệm vụ phụng sự linh từ mãi mãi muôn đời”.
Trang Thịnh Đức, tổng Thịnh Phúc, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông đời Trần – Hồ (TK 13) thuộc huyện Phù Lưu, châu Thượng Phúc, lộ Đông Đô gồm 5 thôn:
– Thịnh Đức Thần (thôn Thần, Minh Đức, Ứng Hòa),
– Thịnh Đức Thượng (thôn Giẽ Thượng, Phú Yên, Phú Xuyên),
– Thịnh Đức Hạ (thôn Giẽ Hạ, Phú Yên, Phú Xuyên),
– Thịnh Đức Cầu (thôn Cầu, Minh Đức, Ứng Hòa)
– Thịnh Đức Bùng (thôn Bùng, Minh Đức, Ứng Hòa)
cùng thờ Thượng Đẳng thần Đại Đô Thành hoàng là Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai
Xã Minh Đức (huyện Ứng Hoà) nay có 6 thôn, với Thôn Thần là anh cả
– Thôn Thần (Kẻ Sa)
– Thôn Cầu
– Thôn Bùng, còn gọi là Phùng
– Thôn Nam Chính, còn gọi là Nam Chánh, Nam Hoạch (Kẻ Gai)
– Thôn Quan Châm
– Thôn Giới Đức (Kẻ Si)
Trong 6 thôn, có 3 thôn thờ đức Thánh Hai
– Thôn Thần : Đền Ba Sa
– Thôn Bùng
– Thôn Cầu
Xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) ở bên cạnh xã Minh Đức có hai thôn thờ đức Thánh Hai
– Thôn Giẽ Thượng : Đình Giẽ Thượng

– Thôn Giẽ Hạ : Đìn Giẽ Hạ

Trước đây hai xã này đều thuộc cùng tổng Thịnh Đức.
Cả 6 thôn đều thờ thần Thượng Đẳng Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương Đức Hoàng Hai và Đức Hoàng Hậu Ngọc Tiên Dung Châu đều có tục kiêng húy: Chữ + tên chỉ “châu” gọi chệch là “nghé”, chữ + tên “Bác” gọi chệch là “Bá”.
Ngoài ra còn có đền thờ đức Thánh Hai ở bên bờ sông Ngàn Sâu, thôn 2, xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Căn cứ vào các nguồn sử liệu hiện còn lưu giữ tại đền thờ Đức Thánh Hai  và trong gia phả Lê tộc ở Đức Bồng thì Đức Thánh Hai tên húy là Lê Ngọc Hải, sinh vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Ông xuất thân là võ quan, thuộc tướng của Thế tổ Minh Khang Trịnh Kiểm và Trưởng Quốc công Tiết chế thủy bộ chủ dinh Trịnh Tùng. Ông từng làm quan trải qua các đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Theo sử sách, ông là người có nhiều công lao trong việc đánh dẹp nhà Mạc và các loạn đảng, góp phần ổn định nội trị và củng cố vương triều nhà Hậu Lê, được triều đình và nhân dân ghi nhận. Sau khi mất, ông được phong tước Mậu Lộc Hầu. Để tưởng nhớ, tri ân đối với những công lao, cống hiến của ông đối với quê hương, đất nước, nhân dân xã Thượng Bồng và một số vùng phụ cận đã tôn ông lên hàng Thánh và lập đền thờ tại xóm Cồn Đình, quanh năm khói hương, thờ phụng.
Chưa rõ sự liên hệ của đền Đức Thánh Hai Hà Tĩnh với đền Đức Thánh Hai ở Ứng Hoà, Hà Nội.

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ ĐỨC THÁNH BA – QUẢNG XUYÊN

Nơi thờ Quảng Xuyên Linh Quang Đại vương là Quảng Tái, huyện Sơn Minh, nay là xã Trung Tú, Ứng Hoà, Hà Nội
Làng Quảng Tái có đình và chùa. Ngôi đình cũ của thôn bị giặc pháp tàn phá, nay là UBND xã Trung Tú. Ngôi đình mới được lập ở giữa làng, thuộc Nhà mẫu giáo cũ.
Làng Quảng Tái tên xưa là Ao Thuyền thôn. Gọi là Ao Thuyền thôn vì hình dáng của thôn giống như 1 chiếc thuyền. Những ngõ xóm chạy song song với nhau như những nan thuyền. Tương truyền, có 1 con rồng nằm trên thuyền. Lưng rồng nằm ở xóm 11, mắt Rồng ở xóm 12.

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ ĐỨC THÁNH TƯ – QUẢNG TẾ

 

Đền Bìm Bái là nơi thờ thượng đẳng thờ Quảng Tế Linh Ứng Đại vương ở xã Bài Nhiễm, huyện Duy Tiên, tình Hà Nam.

Bài Nhiễm là tên xưa, nay tên là Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam, ở đây có đình, chùa và cây đa di sản thôn Thần Nữ.

Đền Bìm Bái không còn. Địa danh Bìm Bái liên quan đến chợ Bìm (thôn Tri Thủy, xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên) và chợ Bái (xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên). Đây là hai khu chợ nổi tiếng của Phú Xuyên nằm cũng khá gần nhau. 
Thương em về chợ Bái, Chằm
Như dâu cùng ruộng, như tằm cùng nong
Thôn Tri Thuỷ, xã Tri Thuỷ, huyện Phú Xuyên có Đình Tri Thuỷ và Chùa Đa Bảo. Xã Minh Tân có Đình Thần Quy và chùa Thần Quy.
Đình Tri Thủy
– Thờ Thành hoàng Trung Thành Đại vương
– Phối thờ năm vị : Đông Bảng Đại vương, Phả Quảng Đại vương, Phả Lại Đại vương, Quảng Đức Đại vương, Quảng Thọ Đại vương.
Đình Thần Quy thờ 8 vị thành hoàng
– Trung Thành Phổ Tế đại vương : Theo thần phả, Trung Thành Phổ Tế đại vương là một trong 5 anh em trai của ông Đào Công Bột, từng làm Đô trưởng Hoan Châu và Hải Dương. Sau đó ngài đã theo Tản Viên sơn thánh đánh giặc, lập nhiều công trạng cuối đời vua Hùng thứ 18.
– Đông Hải đại vương Đoàn Thượng và 4 thủ túc người thôn Thần Quy (gồm: Nguyễn Đình Túc, Phạm Văn Minh, Trần Đức Phong, Lê Văn Tập)
– Huyền Trân công chúa và phò mã Trần Khắc Chung.
Lễ hội đình làng được tổ chức hằng năm vào ngày 8 tháng Tám âm lịch, ngoài ra còn có lễ giỗ Thánh vào ngày 10 tháng Một âm lịch.

Chùa Thần Quy, tên chữ là Linh Quang Tự toạ lạc trên một gò đất cao hình dạng như con rùa và được gán theo một sự tích về thần Kim Quy. Chùa xưa có quy mô lớn thứ ba trong vùng theo câu thành ngữ “Nhất Đọi, nhì Đa, ba Thần” (thứ nhất là chùa Đọi Sơn trên đỉnh núi Đọi thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, thứ nhì là chùa Đa Bảo thuộc xã Tri Thuỷ, thứ ba là chùa Thần Quy). Ngôi chùa xưa được lũy tre ngà che chắn, ngày nay chỉ còn dấu vết của cái hào nước khá rộng bao bọc ba mặt chùa.

Chùa Đa Bảo : Vốn chùa ấp ta có tên là Đa Bảo vậy. Không biết chùa từ thời triều đại nào. Nay bèn đối chiếu hai bên để dẫn việc này mà truyền lại. Chùa cổ vốn trước ở xứ đồng phía tây Cửa Ao, thời này còn chuộng thuần phong, dân còn mộc mạc. Đến khoảng thời Lê Cảnh Hưng, lòng dân vui mừng, người già cùng nối theo đưa về an vị tại nơi này, tọa Giáp hướng Canh, rắn vàng dẫn mạch, móng trên gò rùa, ngậm nước hoàng tuyền, trước ôm núi, sau là thiên mã chầu về, chúng rùa chầu về cho đó là một thắng cảnh rất đẹp. Bên trong chùa có một tòa 1 gian 2 chái, trên lợp ngói, dưới dùng gỗ xung quanh, bên ngoài 3 gian 2 chái, dùng gỗ tạp các gian nối nhau, trên lợp cỏ tranh, dưới dùng đất bùn. Lúc này dân trong thiên hạ, dân thuần tục phác mà cũng ngưỡng nhờ cầu cúng, rất là linh ứng, đại khái khoảng hơn 100 năm ở đây. Đến gần cuối thời Ngụy Tây, Nguyễn Hữu Chỉnh (Cống Chỉnh) chống lại Tây Sơn thì chuông đồng tượng đồng ở các chùa chiền khắp nơi bị phá hủy, chưa được nổi 20 năm thì mất nước. Đợi đến những năm Nhâm Tuất, thiên tử nối ngôi lập ngôi hoàng đế, địa linh nhân kiệt, mưa gió thuận thời, thiên hạ thái bình, người người thăm thú nơi xuân đài thọ vực. Vào năm Giáp Tý gió bão nổi lên, nước lớn trắng trời, sóng to cuồn cuộn, phòng nhà chùa dân cư bị đổ nát hư hại chỉ còn lại một tòa. Lúc này tăng trụ trì là Hòa thượng Từ Hòa. Nối nghiệp về sau may được Hòa thượng đời thứ 5 ở Đọi Sơn trùng tu một lần, sau ngài an cư ở và kế tục ở đây là Hòa thượng đời thứ 6 ở Đọi Sơn trùng tu một tòa thượng điện 3 gian 2 chái, dùng gỗ lim, trên lớp ngói, bốn phía xây tường bao, sau đúc một quả chuông…[trích văn bia  Đa Bảo tự chí, hiện còn lưu tại chùa]”

CÁC ĐỊA ĐIỂM THỜ ĐỨC THÁNH NĂM – QUẢNG HOÁ

Đình Vĩnh Trung còn gọi miếu Linh Linh hay đình Ngoài, có từ năm 1725. Thờ thành hoàng: 3 vị tướng thời vua Hùng và Ngọc Tỉnh phu nhân.

Làng Vĩnh Trung cách sông Tô Lịch khoảng 800 m về phía tây bắc, tên Nôm là Kẻ Vanh, xưa thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng; nay thuộc xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Làng nằm trong một vùng trũng có nhiều ao hồ, thường chỉ cấy một vụ lúa nên dân làng còn làm cả nghề nón để phụ thêm những lúc nông nhàn. Ban đầu họ làm nón gủ, tức nón ba tầm, sau làm nón chóp dứa, từ cuối thế kỷ XIX chuyển sang làm nón lá.

Muốn ăn cơm tám cá trê

Muốn đội nón đẹp thì về Kẻ Vanh

Miếu Linh Linh thờ Tam vị đại vương gồm Ông Cả, Ông Hai và Ông Ba cùng một nữ âm thần là Ngọc Tỉnh phu nhân. Theo thần phả, cha của ba Ông là một vị họ Đoàn và mẹ là người họ Bạch ở trang Thiên Thừa, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam). Cả hai đã qua đời khi các con bước vào tuổi đôi mươi.

Tương truyền, ba Ông vốn là những tráng niên thông minh và có tài cung nỏ, được vua Hùng tin yêu phong làm Đô úy, cho cầm quân đuổi giặc ngoại xâm. Chiến thắng trở về, ba Ông lại được vua ban danh “Thần xạ đại vương” và lập ấp ở trang Vĩnh Hưng Trung. Sau khi họ mất, vua sai làm lễ tế và cho phép dân làng lập miếu thờ cúng bốn mùa.

Xưa kia cả làng đều mang họ Nguyễn, chia ra 6 giáp. Làng hiện có hai ngôi đình cùng thờ ba vị “Thần xạ đại vương”. Một ngôi là đình Trong, được dựng vào năm Thành Thái thứ 6 (1894). Theo một số nghiên cứu, miếu Linh Linh được xây vào năm Bảo Thái thứ 6 (1725) nhưng không biết đích xác khi nào thì dân làng bắt đầu gọi miếu Linh Linh là đình Vĩnh Trung hay đình Ngoài và sử dụng miếu như ngôi đình đầu tiên của thôn này.

Hằng năm ở làng Vĩnh Trung diễn ra ba lễ hội chính. Theo TS Bùi Xuân Đính, ngày 12 tháng 5 âm lịch dân kỷ niệm sinh nhật và ngày phong sắc của các thần, có tổ chức rước bài vị từ đình Ngoài vào đình Trong rồi lại rước trả về đình Ngoài. 12 tháng 6 là ngày hoá của các thần, có tế lễ riêng tại 2 ngôi đình, bằng trâu hoặc bò của làng và lợn của các giáp. Ngày 2 tháng Chạp là Khánh hạ, hai đình tổ chức tế lễ riêng, có cỗ xôi thờ.

Xưa kia, các đôi trai gái lấy nhau phải nộp cheo cho làng bằng việc lát một ngũ đường gạch dài 7,5 m. Làng Vĩnh Trung có tục kết nghĩa với làng Vĩnh Thịnh và Vĩnh Ninh, gọi là “Hội kết nghĩa Tam Vĩnh”.

https://360.hncity.org/spip.php?article426
https://daiang.thanhtri.hanoi.gov.vn/gioi-thieu-chung/-/asset_publisher/UByp2W88WPKe/content/di-tich-lich-su-cap-thanh-pho-inh-vinh-trung
—o—o—o—
Tài liệu tham khảo
– https://huvi.wordpress.com/2016/10/11/tu-than-tich-cua-mot-ngoi-dinh-o-nga-ba-song-bach-hac/
– https://huvi.wordpress.com/2016/09/15/nhung-vi-thuy-than-cua-phu-ung-thien/
– https://bahviet18.com/2024/08/29/than-tich-quang-bac-dai-vuong-o-thinh-duc-phu-xuyen/
– https://danviet.vn/bi-an-ngoi-chua-roi-co-tren-500-nam-tuoi-o-ha-noi-2022050315305071.htm
– https://hanoimoi.vn/hoi-den-thanh-ca-232179.html
– https://dientungaynay.vn/van-hoa-so/den-duc-thanh-ca-linh-thieng-mot-lich-su
– https://huvi.wordpress.com/2016/10/11/tu-than-tich-cua-mot-ngoi-dinh-o-nga-ba-song-bach-hac/
Chia sẻ:
Scroll to Top