Lắm thầy nhiều ma
Lắm cha con không lấy được chồng
Câu đầu “Lắm thầy nhiều ma” là dành cho bọn lề, mà bọn lề không hiểu, dù áp dụng đủ mọi nguyên lý và quy tắc.
Thầy là ám ảnh của bọn lề. Xã hội bây giờ nhiều thày quá mức, nên ma cũng cực nhiều. Nhưng tại sao lắm thày nhiều ma ?
Thầy bói, thầy cúng, thầy đồng
Nghe ba thầy ấy, cái lông chẳng còn
Ai thường xuyên nghe ba loại thầy này thì khả năng gặp ma là rất cao, và có thể người này có nhiều đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu với ma.
Nhiều thày khác như thày dạy chữ, thày dạy nghề, thày thuốc, thày dạy võ, bậc thày, sư thày … vì sao lại dẫn đến việc nhiều ma ? Ma ở thế giới âm ? Thày ở thế giới dương ? Liên quan gì đến nhau mà nhiều thày thì lắm ma ?
1. Một con người sống thế nào thì chết đi sẽ cư xử và suy nghĩ y như vậy, vì ma bản chất vẫn là người ấy, chỉ là không có thân thể vật lý. Khi một người dương khi chết thành ma, thì nghĩa là lúc sống người ấy đã rơi vào trạng thái ma rồi, chỉ là còn thân vật lý nên chẳng ai nhận ra tình trạng ma này, bao gồm chính người ấy.
2. Khi một xã hội có quá nhiều thày, nghĩa là
– Con người trong xã hội ấy cơ bản mất năng lực tự chủ, cái gì cũng phải có người chỉ đường, người hướng dẫn, người làm gương … Cuộc sống đích thực có rất nhiều thách thức mà tự chủ còn chưa ăn thua, đằng này chuyện nhỏ, chuyện lớn từ mẫu giáo đến bạc đầu đều cần đến thầy, đến hướng dẫn thì cái chết, một thách thức không thày nào dạy được sẽ biến khiến người nghiện thầy thành ma là chắc chắn.
– Nhiều người nghiện dạy dỗ, tư vấn, chỉ đường, làm thần tượng cho người khác, trong khi bản thân không biết mình là ai, không biết bản chất của bất kỳ sự việc hiện tượng nào, mà chỉ là một cái rổ thu thập kiến thức biết kêu to mà thôi. Ví dụ mình đi nhà hàng, ăn được một món ngon mình chỉ dẫn cho bàn dân thiên hạ về ăn, mình vừa uống thuốc hay nhờ thày khỏi bệnh, chả biết khỏi thật không, chả biết bệnh thế nào, thày và thuốc ra sao, lập tức đi loan báo khắp nơi rằng mình đã tìm ra chân lý và minh sư. Những người này như cá sống trong sông nhưng không biết nước là gì, nhưng lại cho rằng mình đang lãnh đạo dòng chảy. Người tao bảo “ảo ma”, sống ảo đến mức này làm sao chết đi không thành ma.
Câu sau “Lắm cha con không lấy được chồng” là dành cho chính bọn lể, mà mất gốc trở thành bọn cuồng thày chả khác gì bọn lề lối dựa dẫm. Vấn đề là bọn lề mà đã cuồng thầy thì độ cuồng của chúng sẽ cao hơn bọn lề rất nhiều, bởi vì bản chất bọn này là cảm xúc cao hơn lý trí, nên trong trạng thái cuồng thì bọn chúng sẽ hoàn toàn mất đi lý trí cơ bản.
Một người đã mất đi lý trí cơ bản thì chính là ma, ảo ma. Một người ảo ma mở mồm ra là nói về chân lý về minh sư, về chân sư, và trong tình trạng mất trí này, mọi nguyên lý, nguyên tắc với họ chỉ là nước đổ đầu vịt.
Có một người thày đặc biệt là cha, vì cha là người thày duy nhất, và cha là người cùng mẹ sinh ra chúng ta. Nhiều cha là trạng thái nhận nhiều thày làm cha, của một người cuồng thày. Thực trạng cuồng tín coi thày là cha, người sinh ra mình, thậm chí coi thày còn hơn cả cha mẹ, thày sinh ra chân lý, thày sinh ra học trò, thày sinh ra con đường, thày sinh ra tất cả … là không hiếm hiện nay.
1. Quan hệ nào phải ở đúng vị trí của quan hệ đó, thày là thày, mà cha là cha. Có câu “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy” là để phân biệt bà quan hệ này. Một người có lề lối cơ bản cần hiểu điều đó, nhưng bọn lể vô tổ chức, vô kỷ luật, tự do, tuỳ tiện và cảm xúc đến mất trí, nên chỉ cần sùng bái ai là bọn này coi người đó hơn cha, hơn mẹ, là cha, là mẹ của mình luôn. Quan hệ thày trò bị phóng đại, đạp lên các quan hệ sống cơ bản khác thì con người tự huỷ diệt chính mình và gia đình mình, báo hiệu một xã hội suy thoái.
– Qua việc nhận người không sinh ra mình làm cha, một người sẽ phủ nhận cha mẹ đẻ của mình, và cũng phủ nhận chính người đã sinh ra mình, do đó cũng phủ nhận việc chính mình được sinh ra. Nhận thầy làm cha là sự tự huỷ diệt chính thân thể của mình.
– Qua việc nhận thày làm cha, một người tự huỷ đi năng lực tự thân. Như vậy việc nhận thầy làm cha là sự tự huỷ diệt chính tinh thần của mình.
– Cha và mẹ là đối xứng âm dương cơ bản. Khi một người sùng bái cha, và phủ nhận mẹ, nghĩa là người ấy phủ nhận bản chất âm dương của quan hệ sinh ra mình. Người này bị rối loạn âm dương thân thể.
– Khi một người nhận thày là cha, người này cũng phủ nhận luôn đối xứng âm dương giữa thày và trò. Việc nhận thày làm cha ẩn trong đó một nguy cơ rối loạn âm dương nhân quả.
2. Bản chất của quan hệ vợ chồng là tương hợp âm dương, mà đã loạn âm dương từ quan hệ thày trò đến quan cha mẹ, từ thân thể đến tinh thần, thì quan hệ vợ chồng sớm muộn cũng loạn thôi.
Một học sinh của tôi là ví dụ sinh động cho cả hai câu này. Người này ra hầu đồng, lập phủ ở nhà thày đồng, rồi nướng rất nhiều tiền vào các buổi hầu đồng. Người này sùng bái thày đồng như cha, nên hỏi người này cái gì người này cũng bảo thày nói thế này thấy nói thế kia, trong khi phủ nhận chính cha đẻ của mình và quan hệ cha mẹ đẻ của mình. Rồi người này nhờ ông thầy làm lễ để sinh con trai, bởi vì trước đó sinh hai con gái, thế có khác gì coi thày là cha của các con mình, hay chồng tinh thần của mình luôn không. Chúng ta có thể thấy câu này khó hiểu, nhưng cuộc đời của bao nhiêu người đang diễn lại chính xác từng câu từng chữ các đúc kết của cha ông.
Khi xã hội dương bị suy, mà biểu hiện ở việc có quá nhiều thày so với người tự thân vận động, quá nhiều cha so với mẹ, thì các quan hệ chập cheng với nhau, âm dương rối loạn cả, người dương sống kiểu ảo ma và người chết thành ma vì không có năng lực tự thân để siêu thoát cho chính mình.