Con rắn trong ca dao, tục ngữ

Loading

RẮN BÒ
Thẳng như rắn bò
Rắn không có chân nên không thể bò thẳng mà phải văng sang phải, rồi văng sang trái, các nhịp văng đó chính là chân khí, chân vận hành. Kết quả là rắn không bao giờ có thể bỏ thẳng.
—o—
Hú ma trơi
Mặt trời chửa lặn
Con rắn bò ra
Con ma thập thò
Bài này là một dạng đồng dao gọi ma trơi lúc chiều nhập nhoạng hay các giai đoạn chuyển đổi thời kỳ có năng lượng dạng từ ngày sang đêm. Mà trơi không phải là vong hồn âm, cũng không phải là tinh thần hắc ám mà là một dạng tinh linh giao thời, giao mùa và giao năng lương.
Rắn là con vật giao nhiều thứ không khác gì mà trơi nên “con rắn bò ra, con ma thập thò”. Thứ nhất, rắn là con vật sống đa môi trường : dưới nước, trên cạn, trong hang đất thấp, trên núi và trên cây đều được. Thứ hai rắn là con vật có năng lực vận hành đa dạng, nó thể bò trên đất, ẩn trong hang, leo lên cây, bơi dưới nước mà bay từ cây xuống đất cũng được.
—o—
– Con ngựa chạy giữa đàng nói con ngựa cất
Con cá bán giữa chợ nói con cá thu
Chàng mà đối đặng, thiếp làm dâu mẹ thầy
– Con rắn bò giữa đàng nói con rắn lại
Con cá lội giữa nước nói con cá leo
Anh đà đối được, em ơi theo anh về
—o—
RẮN CẮN
Hùm tha, rắn cắn
hoặc
Miệng hùm nọc rắn
Đây là hai họa mất mạng, vì hùm tha là bị ăn thịt, còn rắn cắn là bị độc. Hai con vật này sống độc lập và tấn công săn mồi hay tấn công để tự vệ do bị xâm phạm lãnh thổ hay đường đi thì đều không chỉ có mục đích doạ hay đánh đuổi, mà tấn công là để lấy mạng. Rắn không khác gì hùm không chân không tay.
Xà cung thạch hổ
Chỉ những người hay nghi kị hoặc sợ hãi, thấy cành cây cong thì nghĩ là rắn, thấy tảng đá lại tưởng là cọp, bởi vì hai loài đó rất nguy hiểm gặp là mất mạng.
—o—
RẮN VÀO NHÀ
Nuôi ong tay áo
Ấp rắn vào ngực
Rắn và ong là con vật tự do, hoang dại, sống đơn độc và có nọc độc, không để nuôi dưỡng và ôm ấp.
—o—
Rắn đến nhà, không đánh thành quái
Gái đến nhà, chẳng chơi cũng thiệt
Rắn là con vật tự do, độc lập và có nọc độc lập, nên nó vào nhà mình mà mình không đuổi nó đi để bảo vệ nơi ăn chốn ở riêng tư của mình, để cứ nó làm tổ trong nhà mình thì người phải bỏ đi là mình nếu không muốn bị rắn cắn mất mạng, vì một khi rắn đã định cư ở nhà mình thì mình là kẻ xâm phạm hang ổ của nó, nó sẽ không để mình sống sót. Rắn không phải là con vật cộng sinh hay có thể nuôi dưỡng hay chung chạ nơi sống với nó.
Gái thì phải tự biết giữ thân thể và nơi ăn chốn ở riêng tư của mình, không cho trai lạ vào nhà và không vào nhà trai lạ. Nếu gái mà đến nhà trai thì chẳng khác nào tự dâng thân cho trai.
Rắn là một trong 6 địa chi âm, đại diện cho người con gái quyết liệt bảo vệ thân thể, nơi ăn chốn ở, đường đi lối lại của mình. Con gái mà tuổi rắn đích thực, thì không bậy bạ nơi ăn chốn ở.
—o—
RẮN LỘT XÁC
Rắn già rắn lột
Người già người tọt vào săng
Con vật cũng như con người đến độ tuổi nào là phải mặc quần áo và ở nơi chốn phù hợp. Mỗi lần rắn lột xác thì coi như, chết cơ thể cũ, tái sinh trong cơ thể mới. Đời con rắn mỗi lần lột xác là một lần sống chết vô cùng dứt khoát. Săng là quan tài. Người già thì tự đến lúc chết vào quan tài thôi. Cái gì cũng nên có kỳ hạn của nó.
—o—
RẮN GIÁU ĐẦU
Rắn khôn giấu đầu
Rắn bị nắm đuôi thì còn chạy được cắn được, rắn bị nắm đầu là bị khống chế nên rắn khôn giấu đầu.
—o—
RẮN MẤT ĐẦU
Rắn mất đầu
Rắn chỉ có một thân thẳng nên đầu rắn hướng đi đâu thì thân đuôi theo đó. “Rắn mất đầu” hay “như rắn mất đầu” là tình trạng rã đám, không biết đi đường nào, hoặc bị không chế điều khiển khi mất thủ lĩnh lãnh đạo.
—o—
Rắn đứt đầu, rắn hãy còn bò
Chim đứt cánh, chim hãy còn bay
Từ ngày xa bạn tới nay
Cơm ăn chẳng đăng, nằm hoài tương tư
Rắn đứt đầu rắn vẫn bò theo bản năng vận động cơ của thân. Chim gãy cánh còn lực đà thì nó vẫn bay được cho đến khi rơi xuống hoặc đậu được vào cành.
—o—
ĐÁNH RẮN
Đánh rắn đánh đằng đầu
​hoặc
Đánh rắn giập đầu
Đánh rắn vào đầu vì đánh vào chỗ khác thì đầu rắn sẽ tấn công người đánh hoặc tìm cách chạy trốn được.
—o—
Đánh rắn động cỏ
Rắn ra khỏi hang đi kiếm mồi thì bò lẫn trong cỏ, nên đánh động cỏ thì cũng đánh động đến rắn, và rắn sẽ tấn công trước hoặc chạy trốn mất. Câu này nói về rình bắt đối tượng nào đó, mà lại tác động vào môi trường của đối tượng đó, thì đối tượng sẽ biết mà chạy trốn hoặc tấn công ngược lại mình.
—o—
Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi
hoặc
Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây
Rắn là con vật săn mồi đơn độc và khi không săn mồi ở yên trong hang, nó vẫn có bản năng bảo vệ thân thể và lãnh thổ rất tốt. Đại bàng cũng tương tự như vậy. Những con vật này giống như làm trùm lãnh địa mà chúng sinh sống. Cho nên muốn tấn công các con vật này phải tấn công chúng lúc chúng kiếm mồi, chứ tấn công chúng khi chúng đang ở trong lãnh địa mà chúng làm chủ thì không những khó khăn mà có khi mình trở thành con mồi.
—o—
CÕNG RẮN
Cõng rắn cắn gà nhà
Rắn là con vật săn mồi, không thể nuôi dưỡng nó hay để nó vào trong nhà. Con gà đại diện cho sự bảo vệ mảnh đất vì có câu “Chó giữ nhà, gà giữ đất”. Nhà có gà thì gà sẽ xua đuổi rắn, nhưng tự chủ nhà cõng rắn vào nhà, con vật bi tấn công đầu tiên là con gà và tức nhiên sau đó là chủ nhà.
—o—
GẶP RẮN
Ra đi gặp tắn mắc may
Ra về gặp tắn nằm ngay chịu đòn
hay
Khi đi gặp rắn thì son
Khi về gặp rắn thì đòn đến lưng
hay
Khi đi gặp rắn thì may,
Khi về gặp rắn thì hay bị đòn
Tại sao khi đi gặp rắn thì may ? Vì rắn là năng lượng khởi hành mang tính âm, chỗ nào nó cũng vận hành được, linh hoạt mà vẫn rất thận trọng, ai ngáng đường nó, nó tránh ra để giữ đường của mình mà không tránh được thì nó tấn công.
Một năng lượng mạnh về khởi hành thì sẽ yếu về kết thúc. Cho nên lúc kết thúc mà gặp rắn thì không khác gì làm sai phải làm lại, mà đến lúc kết thúc mới làm lại thì sao còn làm kịp, chắc chắn là bị đòn. Rắn lúc này chả khác nào cái roi da.
Rắn không phải là năng lượng kết thúc hay chốt hạ. Nếu Giáp Thìn và Ất Tỵ là hai năm âm dương khởi đầu một chu kỳ can chi, thì Nhâm Dần và Quý Mão là hai năm chốt hạ. Con rắn chả khác nào con hổ cái, còn con mèo sáng tạo tự do như con rồng cái.
—o—
MẮT RẮN
Thao láo như mắt rắn ráo
Rắn ráo là loài rắn nước không có nọc độc với đôi mắt rất to và tròn. Mắt mở to tròn là đặc điểm cơ bản của loài rắn ráo, chứ không phải vì nó mất ngủ mà thành ra có đôi mắt thao láo như vậy.
—o—
RẮN DÀI
Con quạ đen, con cò trắng
Con ếch ngắn, con rắn dài
Em trông anh trông mãi, trông hoài
Trông cho thấy mặt thấy mày mới yên
Con quạ đen, con cò trắng, con ếch ngắn, con rắn dài : Đây là các đặc điểm cơ bản của các con vật thuộc bốn giống loài. Anh giống như là một hiện thực cơ bản của em, nên khi nào thấy anh thì em mới yên.
—o—
RẮN KHÔNG CHÂN
Vẽ rắn thêm chân
Con rắn không có chân. Người không biết bản chất của một sự vật hiện tượng, thì có thể thêm thắt các chi tiết vô lý vào mô tả của mình, như là “vẽ rắn thêm chân”.
—o—
Con rắn không chân, con rắn biết
Đá có ngọc ẩn, thì đá hay
Tội thì thiếp chịu, vạ chi lây tới chàng ?
Con rắn và hòn đá đều là những thứ tượng trưng cho sự độc lập, tính riêng tư và tính cá thể. Những người như vậy, không ưa việc người khác can thiệp vào cuộc sống của mình. Mình đá vào hòn đá thì mình bị đau chân. Mình đá vào con rắn thì mình bị rắn cắn. Đừng nghĩ là chuyện riêng của người khác tự xía vô mà không có hậu quả.
—o—
Rắn không chân rắn bò khắp rú
Gà không vú nhưng nuôi đặng chín mười con
hay
Con gì có cánh không bay ?
Con gì không cẳng chạy bay năm rừng ?
Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng chạy bay năm rừng
hay
Con rắn không chân đi năm rừng bảy rú
Con gà không vú nuôi chín, mười con
Qua tưởng rằng em má phấn môi son
Ai ngờ má mỏng, môi mòn hỡi em
hay
Con rắn không có chân, rắn nhờ chi rắn đi mười ngọn rú,
Con gà không có bụ, gà nhờ chi nuôi đủ mười con?
Trai nam nhi đối được gái gá nghĩa nước non suốt đời.
– Con rắn không chân có cái thân dài uốn oánh,
Con gà không bụ nhờ đôi cánh ấp con.
Trai nam nhi đà đối đặng, gái đà gá nghĩa nước non hay còn chờ?
hay
Con rắn không chân mà bò năm dãy núi
Con gà không vú mà nuôi đặng chín mười con
Em đừng lo nhơn nghĩa mất hay còn
Ráng giữ câu tiết hạnh, lòng son anh đợi chờ
hay
Ở đâu sáu tỉnh anh ơi
Sông nào chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông nào có nước trong luôn
Núi nào có tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gì có cánh không bay
Con gì không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con gì giống chó có sừng
Anh mà đáp được, em cùng theo anh
– Nam Kỳ sáu tỉnh em ơi
Sông Cửu Long chín cửa, nước chảy xuôi một nguồn
Sông Đồng Nai nước sạch trong luôn
Núi Thất Sơn danh tiếng cả muôn dặm ngoài
Con gà có cánh không bay
Con rắn không cẳng, chạy ngay trăm rừng
Con dê giống chó có sừng
Anh đà đáp được, em cùng theo anh
Các bài ca dao trên đều nói về năng lực vận hành cực kỳ linh hoạt, đa dạng và khéo léo, gần trong mọi địa hình và môi trường sống của rắn.
—o—
DẰM RẮN (DẤU VẾT CỦA RẮN)
Rắn đi hết nhớt còn dằm
Người thương đi mất, chỗ nằm còn đây
hay
Con rắn bò ngang
Con rắn đi mất, dấu đất còn dằm
Thiếp với chàng chịu tiếng mang tăm
Cứ theo nhau cho trọn mối tơ tằm đừng nguôi
​hay
Con rắn đi đất bột còn dằm
Phun ra cái nọc tối về nằm nhớ nhau
Để về tính chuyện trầu cau
Cho duyên em khỏi muộn, anh mai sau hiệp hòa
hay
Rắn đi còn dằm
Rồng nằm còn dấu
Sấu lội qua mương
Ễnh ương trườn bãi
Sán lãi bò ngang
Rau lang bò xuống
Rau muống cuốn ngọn rau dừa
Em lấy ai có chửa đổ thừa cho anh.
Rắn là con vật mềm mại và khéo léo, di chuyển trong cỏ và trên đất êm ru không để lại dấu vết. Các bài ca dao trên đều nói về việc rắn ở đâu khi luôn để lại dấu dằm, cho dù nó đã bỏ đi rồi, với vết dằm là sự chuyển hoá của đất do việc con rắn ở lại trên đất.
Rắn đi để lại vết dằm, người ra đi phải để lại sự thay đổi gì đó cho đời như là những thành tựu và trong lòng người như là những tình cảm và sự tiếc nuối. Người có năng lượng rắn hoặc trong năm rắn, chúng ta nên sống và có cơ hội để lại sự chuyển hoá sâu sắc như thế.
Tại sao rắn có năng lực này vì rắn là con vật có tính đất, tính cụ thể rất cao, cho nên nó tương tác sâu sắc với cái gì thì nó sẽ chuyển hoá được cái đó.
—o—
RẮN MÙNG NĂM
Len lét như rắn mùng năm
—o—
RẮN HỔ MÂY
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Phận em là gái thuyền quyên
Ai mà đối đặng, kết nguyền phu thê
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa. Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên : Con vật nào ăn cái gì, ở đâu là phải có tính đối xứng và tương ứng với bản chất năng lượng của nó.
Phận em là gái thuyền quyên. Ai mà đối đặng, kết nguyền phu thê : Gái thuyền quyên cũng chỉ kết nguyền phu thê với trai đối xứng và phù hợp.
—o—
Con rắn hổ mây nằm cây thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên
Trách anh bạn tình gian dối đảo điên
Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em
Trách anh bạn tình gian dối đảo điên. Gạt em xuống chốn huỳnh tuyền bỏ em : Em và anh là một đôi bạn tình tương xứng, anh chết thì em không còn đối xứng với ai.
—o—
RẮN HỔ
Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng.
Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.
Hổ và rồng là hai năng lượng nam đối xứng, cho nên có cặp biểu tượng thanh long, bạch hổ. Con rắn hổ và con rắn rồng là hai giống loài riêng biệt cho nên nó mổ nhau. Tiền kẽm xỉa làm từ hợp kim kẽm đồng nhưng phân biệt rõ với tiền kèm và tiền đồng. Nguyệt Nga, Vân Tiên và Bùi Kiệm là ba nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên. Nguyệt Nga, Vân Tiên thuộc nhóm chính diện còn Bùi Kiệm là nhóm phản diện.
Tiền bạc là thứ rất rạch ròi. Rắn là loài cũng rất rạch ròi, cụ thể, không chung chạ, chồng chập, lắp ghép.
—o—
Chuối chi đã chuối lại cau,
Đã mía sao lại mía lau, hỡi chàng?
– Chuối mà cau còn khá,
Mía mà lau cũng chưa lạ, em ơi!
Cá mà bò mới sự ngược đời,
Đã rắn lại hổ, thế thời thiếu chi.
—o—
Mái gầm tại chỗ,
Rắn hổ về nhà
hay
Rắn mai tại lỗ
Rắn hổ về nhà
Câu thành ngữ này nói về độ nguy hiểm của hai loài rắn : bị mái gầm cắn thì chết tại chỗ, bị hổ mang cắn thì có thể gắng gượng về đến nhà mới chết.
—o—
Nực cười cóc nọ leo thang
Chìa vôi hút thuốc, hổ mang ăn trầu
Bài ca dao nói về những sự ngược đời. Miệng ăn trầu là đểu giao duyên và để trò chuyện, con miệng hổ mang mà cắn một phát là chết ngay.
—o—
RẮN THẰN LẰN
Ông Nhăng mà lấy bà Nhăng
Đẻ được con rắn thằn lằn cụt đuôi
Ông Nhăng bảo để mà nuôi
Bà Nhăng đập chết đem vùi đống tro
Ông Nhăng bảo để mà kho
Bà Nhăng đập chết đem cho láng giềng
Có kho thì kho với riềng
Đừng kho với ớt tốn tiền uổng công
Rắn thằn lằn là loài bò sát nhỏ bốn chân như con thằn lằn nhưng đuôi dài như rắn. Con rắn thằn lằn cụt đuôi thì giống con thằn lằn hơn tuy nhiên có thể nó vẫn có bản chất rắn. Nếu nó là con thằn lằn thì nuôi được, nếu nó là con rắn mà nuôi là nguy hiểm.
Điều đặc biệt là con rắn thằn lằn này là con của ông Nhăng và bà Nhăng. Con rắn thằn lằn này thực chất là cái rốn, nó bị cụt đuôi sau khi cắt rốn. Nếu công nhận nó là con thì phải nuôi, nếu không công nhận nó là con thì phải vứt nó đi.
—o—
RẮN RỒNG
Vào nhà rắn rồng
Ra đồng hổ ngựa
Rắn rồng còn có tên là rắn hổ ngựa hoặc rắn sọc dưa. Rắn cỡ lớn, lưng có sọc, sống trên cạn, thường gặp ở đồng bằng và trung du, không độc, song rất dữ, dễ bị kích thích. Rắn rồng bắt mồi cả vào ban ngày và ban đêm và có tập tính săn đuổi mồi (chủ yếu là chuột, thằn lằn hoặc ếch nhái).
Rắn rồng bắt chuột mái rui
Em đừng than tới thở lui anh buồn
—o—
Vè rắn U Minh
U Minh nước đỏ
Choại, dớn, cóc kèn
Ăn ở cho hiền
Dạo chơi với rắn
Bất kỳ sâu cạn
Rắn nước, rắn râu
Bay trên trời cao
Rắn rồng uốn khúc
Chạy ngang chạy dọc
Rắn ngựa phóng theo
Hút gió thật kêu
Là con rắn lục
Mái gầm lục đục
Bò chậm như rùa
Mở xuống bất ngờ
Hổ mây ẩn núp
Coi chừng nó quất
Là con rắn roi
Ra đồng dạo chơi
Là rắn bông súng
Đựng đầy một thúng
Là rắn cạp nia
Ăn rồi ngâm nghe
Hổ hành nấu cháo
Dữ mà nhỏ xíu
Đúng thiệt rắn giun
Chớ nên coi thường
Con rắn ri cóc
Rắn mà muốn học
Làm cậu ông Trời
Có khách hay mời
Là con hổ chuối
Con rắn ri cá
Thấy nước thì ham
Hình vóc hiên ngang
Rắn roi, mỏ rọ
Thật là đáng sợ
Chàm oạp, hổ mang
Xét cho đàng hoàng
Rắn thì có nọc
Đừng châm, đừng chọc
Bỏ mạng lìa đời
Trí khôn con người
Biến loài độc ác
Lấy nọc làm thuốc
Trị bệnh cứu dân
Đau khớp trật gân
Ê mình nhức mỏi
Lại còn một mối
Lấy thịt xé phay
Chiều nhậu lai rai
Bổ ơi là bổ!
U Minh là rừng ngập mặn, nơi có rất nhiều rắn, với các chủng loại đa dạng.
—o—
RỒNG RẮN
Đầu rồng đuôi rắn
Rồng là con vật dương, có tính biểu đạt, tính hoàng tráng, tinh xuyên suốt, dẫn đầu, còn rắn là con vật âm, có tính linh hoạt, lẩn tránh và tự vệ.
“Đầu rồng đuôi rắn” là tình trạng lúc đầu, phần đầu … thì rất hoàng tráng, to tát, hào nhoáng mà phần sau thì thui chột, chắp vá…
—o—
Rồng rắn lên mây
Có cây lúc lắc
Có nhà điểm binh
Hỏi ông thầy thuốc
Có nhà hay không ?
Rồng rắn lên mây là trò chơi dân gian, mà trẻ con nối đuôi đâu, đầu là rồng mà đuôi là rắn, đầu thi chặn và đối đầu, mà đuôi thì chạy trốn và ẩn nấp. Trong trò chơi này phe làm rồng rắn thì phải lộ đầu giấu đuôi, trong khi phe còn lại thì phải làm sao phải tránh được cái đầu rồng để bắt được cái đuôi rắn.
—o—
Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo.
—o—
Xa xa quê tía bốn phía mây giăng
Quê má rừng ngăn núi chặn
Quê anh sông dài rạch vắn, rồng rắn lượn quanh.
Đi không nỡ, ở không đành
Chiều chiều gắng gượng lên gành ngó mong
—o—
Con công ăn lẫn với gà
Rồng kia rắn nọ, xem đà sao nên
—o—
Có phúc thì rắn hóa rồng
Vô phúc phượng lại đổi lông hóa cò
hay
Rắn liu điu có phước cũng hóa rồng
Phượng hoàng chớp cánh, rụng lông như cò
—o—
RẮN RẾT
Rắn rết bò vào, cóc nhái bò ra
hay
Được lòng rắn, mất lòng ngóe
Trời mưa, đường ngập, rắn rết bò vào hang khô nằm ẩn nấp, trong khi cóc nhái lại bò ra ngoài để đón mưa. Một số điều kiện thời tiết khác, hai giống loài này cũng vận hành ngược nhau, bởi vì cóc, nhái, nghoé có cấu trúc quả bóng hoặc cái vỏ (votron), trong khi rắn rết có cấu trúc sợi trục hay cái lõi (neutron), là hai dạng cấu trúc âm dương với nhau. Cái gì có lợi có rắn thì lại là bất lợi cho nghoé và ngược lại.
—o—
CON RẮN CON RÍT
Cùm nụm cùm nịu
Trời đánh tay tiên
Đồng tiền chiếc đũa
Hột lúa ba bông
Con văn con võ
Ăn trộm trứng gà
Bù xa bù xít
Con rắn con rít
Phải ra tay nào
Phải ra tay nầy
Hú chuột…
—o—
RẮN & LƯƠN
Lươn nạp mình cho rắn
Rắn và lươn nhìn qua hình dáng tưởng giống nhau nhưng là hai loài khác hẳn, lươn chỉ lẩn trốn và sống dưới bùn, trong khi rắn là động vật ăn thịt và có nọc độc để tấn công. Rắn có thể ăn lươn chứ lươn không thể ăn rắn.
—o—
Rắn đổ nọc cho lươn
Lươn không có nọc, nhưng vì hình dáng bên ngoài na ná nên rắn đổ tội cho lươn, bảo lươn cắn chứ không phải rắn cắn. Trong tự nhiên, việc nhầm rắn và lươn là khó, chứ trong xã hội loài người, chuyện này rất dễ xảy ra, bởi vì loại có nọc độc để tấn công thì cũng có miệng lưỡi độc để đổ tội, hai hành vi này có cùng bản chất là tấn công kẻ khác, lấy kẻ khác ra làm con mồi và nạn nhân, để kiếm sống và bảo vệ bản thân.
Khẩu Phật tâm xà
Cùng là cái miệng nhưng bản chất khác nhau. Miệng Phật là để giảng pháp nhưng miệng rắn có nọc độc tấn công. Tâm là rắn thì miệng dù nói pháp như Phật thì bản chất là để hại người lợi mình, vì bản chất của cái miệng đó là miệng rắn.
—o—
RẮN & SẮN DÂY
Cây sắn dây là thầy con rắn
Cây sắn dây và con rắn có hình dáng dài thuôn na ná nhau nhưng ban chất khác xa nhau.
—o—o—o—
Chia sẻ:
Scroll to Top