ĂN VAY – NỢ MIỆNG
Ăn vay từng bữa, không cửa không nhà
Ăn là nhu cầu sinh tồn cơ bản, mà phải vay để ăn, thì những nhu cầu sống khác cũng không thể nào tự đáp ứng được, vì
Miệng ăn núi lở
—o—
Ăn đói qua ngày, ăn vay nên nợ
Ngày nào thiếu thì ngày đó chịu đói qua ngày, còn vay để ăn thì sớm muộn cũng mắc nợ nần.
—o—
Nhịn miệng qua ngày, ăn vay mắc nợ
Câu này tương tự như câu trên, thiếu thì nhịn miệng, chứ không ăn bằng gạo vay, tiền vay.
—o—
Khi xưa ăn những gạo vay
Bây giờ ngó đến cái chày giả hơi
—o—
Khó nghèo như chúng em đây
Ăn vay từng bữa có ngày thừa cơm.
—o—
Nốt ruồi bàn tay ăn vay cả đời
Nốt ruồi ở cổ là lỗ tiền chôn
—o—
Rút ruột tằm, trả nợ dâu
Tằm ăn lá dâu mà lớn, nên để trở nợ miệng ăn này, tằm chỉ có rút ruột mình ra, không phải để làm kén, mà là để trả nợ cho tằm.
—o—o—o—
Ai là bọn ăn vay nợ miệng như con tằm ? Chính là bọn con sống dựa vào cha mẹ. Đứa con nào dù tự lập đến đâu ít nhất thủa sơ sinh cũng phải sống dựa vào cha mẹ, nghĩa là ăn vay từng bữa của cha mẹ. Tính đỡn giản, đến 18 tuổi, mỗi đứa con nợ mẹ số bữa cơm là
18 tuổi x 12 tháng x 30 ngày x 3 bữa = 19.440 bữa cơm
CON NỢ CỦA CHA MẸ
Làm con nhiều nợ, làm vợ nhiều oan gia
Con được cha mẹ sinh ra và được cha mẹ nuôi lớn là đã mắc nợ cha mẹ. Cha mẹ sinh ra con là ôm con nợ mà chả biết bao giờ nó mới trả nợ cho mình. Cha mẹ có con, là có nợ, không sung sướng gì cả.
—o—
Con là nợ, vợ là oan gia, của nhà là nghiệp báo
—o—
Sang nhờ vợ, nợ vì con
Tan cửa nát nhà vì con cờ bạc
—o—
Nợ mòn con lớn
Nuôi con là nuôi nợ, mòn mỏi chờ con lớn để dứt con nợ ra.
—o—
Con học, thóc vay
Nuôi con ăn học, giống như là thóc gạo ăn hàng ngày đều phải đi vay
—o—
Con không học, thóc không vay
Ngược lại, con không đi học, thì thóc không phải đi vay
—o—
CON GÁNH NỢ CŨ CỦA CHA MẸ
Có của chia của, không có của chia nợ.
—o—
Có của để của cho con,
Không có để nợ cho con.
—o—
Hay đi chợ để nợ cho con
—o—
Đời cha ăn mặn, đời con khát nước
—o—
Đời cha làm ra nợ thì đời con phải chịu trả
—-o—
Đời cha đi hái hoa người
Đời con phải trả nợ đời cho cha.
—o—o—o—
NỢ MÁU
Nợ cơm cũng là nợ máu vì cơm ăn để tạo máu nuôi cơ thể, cho nên cha mẹ là chủ nợ máu lớn nhất của con cái. Ngoài ra, con cái còn nợ máu cha mẹ, cung cấp nuôi con trong thai kỳ.
Nợ máu phải trả bằng máu
—o—
Nợ như tổ đỉa
Đỉa là con vật ký sinh, chuyên đi hút máu cho nên tổ đỉa có nhiều nợ máu.
—o—o—o—
VỢ GÁNH NỢ VÌ CHỒNG VÀ CHO CHỒNG
Trong quan hệ gia đình, vợ chồng cũng nợ nần lẫn nhau, người này nuôi người kia.
Phúc nhà vợ, chẳng bằng nợ nhà chồng
—o—
Chồng con là cái nợ nần
Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm
—o—
Nợ nần, em trả, chàng vay,
Kiếp em là kiếp kéo cày đứt hơi!
—o—
Anh ham xóc đĩa cò quay
Máu mê cờ bạc, lại hay rượu chè.
Eo sèo công nợ tứ bề,
Kẻ lôi người kéo ê chề lắm thay!
—o—o—o—
CHỒNG GÁNH NỢ VÌ VỢ & CHO VỢ
Trai có vợ, nhà có nợ
—o—
Trai có vợ như nợ chưa trả
—o—
Anh có vợ như nợ phải mang
—o—
Con là nợ, vợ là oan gia, của nhà là nghiệp báo
—o—
Một là vợ hai là nợ
Tan nát cửa nhà ra đồng mà ở.
—o—
Một vợ không khổ mà mang
Nhiều vợ nhiều nợ hết đàng làm ăn.
—o—
Nhứt là vợ dại trong nhà
Nhì là nhà dột, thứ ba nợ nần
—o—
Nghèo nghèo, nợ nợ cũng cưới con vợ bán don
Mai sau nó chết cũng còn cặp ui!
Ui là đồ đựng làm bằng đất nung, có nắp đậy. Trước đây người dân Quảng Ngãi thường đựng don trong cặp ui để giữ nóng, gánh đi bán dạo.
—o—