THẮT LƯNG BAO XANH & THẮT LƯNG BAO ĐIỀU 

Loading

Một số bài ca dao, tục ngữ, nói về “cô gái thắt lưng bao xanh” như một ẩn dụ cho cầu kiều, bởi vì cô gái ấy là cô Kiều, rất yêu đương bay bổng, hướng ra bên ngoài bao gồm trai đẹp bên ngoài, hướng về tương lai bao gồm tương lại yêu đương với anh
KẺ BƯỞI

Hỡi cô thắt dải bao xanh
Có về kẻ Bưởi với anh thì về
Làng anh có lịch có lề
Có sông tắm mát có nghề can seo

—o—

LÀNG LÁNG

Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Láng với anh thì về
Làng Láng thơm húng đủ bề
Cả làng anh chỉ một nghề trồng rau.
Anh đi trước, em đi sau
Mẹ anh bổ chín buồng cau ra mời
—o—
LÀNG CÓT
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Cót với anh thì về
Làng anh có đủ mọi nghề
Cửa nhà anh những bộn bề neo đơn
Nếp nhà nhỏ vợ chồng son
Mộng vẫn là mộng anh còn đợi em.
—o—
LÀNG AN PHÚ
Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về An Phú với anh thì về
An Phú có ruộng tứ bề,
Có ao tắm mát, có nghề mạch nha.
—o—
LÀNG KIM LŨ
Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Kim Lũ với anh thì về
Kim Lũ có hai cây đề
Cây cao bóng mát gần kề đôi ta
Tình sâu không quản đường xa
Nhà anh cao rộng cũng là nhà em
Nhà anh có con sông êm
Cho em tắm mát những đêm mùa hè.
—o—
CANH HOẠCH
Hỡi cô thắt giải bao xanh,
Có về Canh Hoạch với anh thì về,
Canh Hoạch ít ruộng nhiều nghề,
Yêu nghề quạt giấy hay nghề đan khuya?
—o—
LÀNG MÁI
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về làng Mái với anh thì về
Làng Mái có lịch có lề
Có ao tắm mát có nghề làm tranh
—o—
KẺ VẼ
Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về Kẻ Vẽ với anh thì về.
Kẻ Vẽ có thói có lề,
Kẻ Vẽ lại có nhiều nghề đâu hơn.
—o—
QUẢNG BÁ
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quảng Bá với anh thì về
Quảng Bá nằm ở ven đê
Bốn mùa xanh tốt với nghề trồng rau
Anh đi trước em đi sau
Để bác mẹ biết trầu cau sang nhà.
—o—
Địa phương nào có cô gái “thắt lưng bao xanh”, nghĩa là địa phương đó có cầu kiều, điểm chung của các địa phương này
– Hoc hành, đỗ đạt
– Có nghề làm giấy
– Tơ vàng
– Có đặc sản cây trồng như gạo, rau, ổi …
– KẺ BƯỞI : Kẻ Bười nằm ở ngã ba sông Tô Lich và sông Thiên Phù, nơi bây giờ có chợ Bưởi. Làng Bưởi có nghề làm giấy và nghề dệt lĩnh. Đình làng Bưởi là đình Yên Thái, tên chữ của làng là Yên Thái.
—o—
Quần thâm, lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—
Nước Tây Hồ vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
—o—

Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã

—o—
Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi
Em về bên ấy làm chi
Nước giếng thì đục, đường đi thì lầy
—o—
Tiếng chày giã dó trong sương
Tiếng ai seo giấy để vương vấn lòng
Cho người chắp bút chép kinh
Đẹp vần thơ lại đẹp mình đẹp ta
—o—
Yên Thái có giếng trong xanh
Có đôi cá sấu ngồi canh đầu làng
Ai qua nhắn nhủ cô nàng
Yêu nhau xin chớ phũ phàng đổi thay.
—o—
Nhất vui là chợ Ma Phường
Lắm hàng mọi chốn tìm đường đến mua
Hàng cau, hàng quít, hàng dừa
Hàng mơ, hàng mận, hàng dưa, hàng hồng
Ai lên Yên Thái mà trông
Trẻ già trai gái vợ chồng dắt nhau.
—o—
Cách nhau một giậu cúc tần
Em là hàng xóm rất gần nhà tôi
Lĩnh Bưởi đem bán chợ Nhồi
Tan buổi chợ ấy, tôi ngồi bên em
Miếng trầu cánh phượng đã têm
Trao em để đỏ xinh thêm môi người
Thế rồi cách trở xa xôi
Bên kia bờ giậu ai ngồi đợi tôi?
—o—

Ao làng Yên Thái xanh trong
Em về bên ấy theo chồng hôm qua
Em ơi trầu héo, cau già
Hình anh lẻ bóng, nếp nhà rêu phong
Người xưa giờ đã sang sông
Trăng xưa đã khuyết, vườn không bóng người

—o—

– AN PHÚ : An Phú là một làng trước thuộc xã Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là làng nghề nấu mạch nha truyền thống một thời nức tiếng. Làng An Phú nổi tiếng khoa bảng, Người làng dựa vào truyền thuyết về ngôi mộ “thất trúng” do Tả Ao đền ơn gia chủ, đặt huyệt mộ tại gò “Ông Già đọc sách” mà nên.

Cô kia cắp nón đi đâu

Có về An Phú làm dâu thì về

—o—

Kéo kéo ra đê… ê… e…

Cô kia má đỏ hồng hồng

Ăn xu kẹo kéo cho chồng thêm mê.

—o—

An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.

—o—

Thái Đô làm kẹo mạch nha
Kẻ Vòng làm cốm để mà tiến vua

—o—

Nếu An Phú là làng mạch nhà thì làng Nghè là làng Trung Nha, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.

Làng Nghè lập được trống quân
Ngoài Bưởi seo giấy cho dân học hành

—o—

Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trước năm 1942, vùng này thuộc tổng Dịch Vọng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Sau khi giải phóng Thủ đô (10/1954), Nghĩa Đô sáp nhập với xã An Thái (gồm cả phường Bái Ân cũ) thành xã Thái Đô. Nghĩa Đô gồm bốn thôn (làng) cũ là: Tiên Thượng (làng Tân), Trung Nha (làng Nghè), Vạn Long (làng Dâu) và An Phú, trong đó làng An Phú nổi tiếng với nghề nấu kẹo mạch nha và dệt lĩnh lụa, làng Nghè nổi tiếng nghề làm giấy sắc phong.

Tiếng đồn con gái Nghĩa Đô
Quanh năm làm giấy cho vua được nhờ

—o—

– LÁNG : Láng nằm bên sông Tô Lịch nổi tiếng với nghề trồng rau và lễ hội Thánh Láng, Từ Đạo Hạnh. Đây là một trong các lễ hội có rước lễ hoàng tráng nhất của Thăng Long.
—o—
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn
—o—
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—

– LÀNG CÓT : Làng Cót nằm bên sông Tô Lịch, đối xứng với Láng. Làng Cót hay Kẻ Cót là tên nôm của hai làng Yên Quyết có từ lâu đời, là Thượng Yên Quyết (ở phía Bắc) và Hạ Yên Quyết (ở phía Nam), đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Làng Hạ Yên Quyết còn có tên là Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết còn gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính. Địa danh Cầu Giấy cũng liên quan đến nghề làm giấy. Đất làng Cót nổi tiếng về học hành, khoa bảng. Bạch Liên Hoa cũng là loài hoa sen trắng, hoa sen có tính kim.

—o—

Ngày ngày ra đứng cửa chùa
Trông lên Kẻ Chợ mà mua lấy sầu
Chợ Cót có bốn cái cầu
Để cho làng xóm mua rau, bán hàng

—o—
– KIM LŨ – KẺ LỦ : Kim Lũ là một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, bên bờ sông Tô Lịch. Ngoài tên Hán Việt Kim Lũ nghĩa là sợ tơ vàng, làng còn có tên Nôm là làng Lủ hay kẻ Lủ. Làng Lủ ngày xưa gồm ba xóm là Lủ Cầu, Lủ Trung và Lủ Văn, sau đó phát triển thành ba làng: Kim Giang, Kim Lũ và Kim Văn. Làng có truyền thống khoa bảng, là quê hương của các danh nhân Nguyễn Công Thái, Nguyễn Văn Siêu, Tản Đà…
—o—
Kể chơi một huyện Thanh Trì
Mọc thì gạo xáo, Láng thì trồng rau
Đình Gừng bán cá đội đầu
Định Công đan gối, Lủ Cầu bánh trong
—o—
Làng Mọc thờ đầu,
Lủ Cầu thờ chân,
Pháp Vân thờ mình
—o—
Bài này nói về đức thánh Từ Vinh, cha của đức Thánh Láng, Từ Đạo Hạnh, sau mâu thuẫn với Đại Điên, bị chặt làm 3 khúc, trôi theo sông Tô Lịch. Sau này Thánh Láng Từ Đạo Hạnh đã học phép thuật đánh nhau với Đại Điên. Mẹ của đức thánh Láng ở làng Cót, bà tên là Bạch Liên Hoa, tên chữ của Hạ Yên Quyết.
Tổng hợp các địa phương trong vòng cung sông Tô Lịch có Thắt lưng bao xanh làm nên bài ca dao
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
—o—
– KẺ VẼ : Vẽ là tên nôm làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đây là đất văn học, nhiều người làm quan, buôn bán giỏi, đan giang
—o—
Đất kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ
—o—
Giò Chèm, nem Vẽ
—o—
Chơi với quan viên Kẻ Vẽ
Không còn cái bát mẻ mà ăn
—o—
– QUẢNG BÁ : Làng Quảng Bá có tên cũ là Quảng Bố, đất rộng, dân đông hơn hai làng Nghi Tàm và Tây Hồ, là một phường của Kinh đô Thăng Long từ thời Lý – Trần. Trước đây làng có hơn 100 mẫu ruộng, cả trong đồng và ngoài bãi để trồng rau, hoa, trong đó hoa và quất là những loại cây nổi tiếng. Đất làng còn rất phù hợp với cây ổi, quả ngon. Ngoài ra, dân làng còn có nghề đánh cá ven hồ. Làng Quảng Bá trồng quất, gần đó làng Nhật Tân trồng đào. Quảng Bá có trường thi Hương Thăng Long (phủ Phụng Thiên), dành cho sĩ tử của hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Vùng đất ven hồ Tây này nổi tiếng về thơ phú, đất của Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương. Đầu con đường này là ngôi chùa Kim Liên thờ bà chúa chăn tằm, và nếu coi chữ liên là sợi tơ liên kết thì Kim Liên có nghĩa là sợi tơ vàng.
—o—
Ổi Quảng Bá, cá Hồ Tây,
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người.
—o—
– CANH HOẠCH – KẺ VÁC : có tên nôm là Kẻ Vác hay làng Vác, làng cổ nay thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Làng nổi tiếng với nghề làm quạt giấy và làm lồng chim. Nơi đây nổi tiếng là vùng đất truyền thống khoa cử. Làng Canh Hoạch có 2 Trạng nguyên, là rất hiếm có ở Việt Nam. Chưa có làng nào ở Việt Nam có quá 2 Trạng nguyên. Ngoài làng Canh Hoạch chỉ có một làng nữa có 2 Trạng nguyên là làng Lương Xá, xã Phú Lương, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Dòng họ Nguyễn ở làng Canh Hoạch có nhiều đời đỗ đạt cao, làm quan nên trong nhà thờ Trạng nguyên có đôi câu đối:
Cựu Trạng nguyên, sanh Trạng nguyên, nhất giáp khoa danh quang sử bút
Phụ Tiến sĩ, tử Tiến sĩ, bát truyền chung đỉnh dụ Gia khương.
Dịch là:
Cậu Trạng nguyên, cháu Trạng nguyên, khoa danh đỗ đầu sáng danh sử sách
Cha Tiến sĩ, con Tiến sĩ, tám đời quyền quý phúc đầy nhà.
Họ Nguyễn ở Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nơi sinh ra Đại thi hào Nguyễn Du có gốc họ Nguyễn làng Canh Hoạch.
– LÀNG MÁI : Làng Mái là tên nôm của Đông Hồ, nay thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nổi tiếng với nghề làm tranh in trên giấy điệp. Nghề làm tranh dân gian đòi hỏi một trí tuệ và nhận thức rất sâu xa về cuộc sống. Đây không phải là thú chơi bình thường. Vùng Hồ có mộ và đền thờ của Lê Văn Thịnh, tiến sỹ đầu tiên của nền khoa bảng Việt Nam. Trên đường về núi Thiên Thai, quê nhà gốc của mình ở cách vùng Hồ một đoạn, tiến sỹ Lê Văn Thịnh đã dừng chân và mất ở Hồ.
—o—
Thừa con gả cho hàng tờ
Đến ba mươi tết phất phơ ngoài đường
Hàng tờ là người làm tranh giấy dân gian bán Tết trong đó chủ yếu là tranh Đông Hồ.
—o—
Kết nối các làng Thắt lưng bao xanh không nằm bên bờ sông Tô Lịch tạo nên cành đai bên ngoài Thăng Long liên quan đến
– Quảng Bá : Hồ Tây
– Kẻ Vẽ : Sông Nhuệ
– Làng Mái – Đông Hồ : Sông Đuống
– Canh Hoạch – Kẻ Vác : sông Đáy
Ngoài ra có có
– Làng Canh Hoạch ở Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa có tuổi đời gần một ngàn năm. Làng có tên nôm là Kẻ Thạc. Đây là một trong số ít ngôi làng cổ nổi tiếng của huyện Thọ Xuân, về truyền thống hiếu học và khoa bảng. Làng có câu ca “Khoai bãi Đằn, ngô bãi Giấy” là để chỉ hai loại cây lương thực chính và đã từng được đưa vào dâng tiến vua quan nhà Lê ở kinh đô Yên Trường, xã Thọ Lập ngày nay.
– Làng Canh Hoạch ở tổng Canh Hoạch, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên

– Kim Lũ còn là một làng cổ nay ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, thời Bắc thuộc (nhà Đông Hán), gọi nôm là Cờ Lủ hay Lủ, tên chữ Hán gọi là Kim Lũ, tên này tồn tại cho đến nay. Tương truyền, dân làng Cờ Lủ nổi tiếng với nghề thợ ngoã (lợp ngói). Khoảng thế kỷ 2, nghề thợ ngoã đã xuất hiện và phát triển ở làng Cờ Lủ. Làng là nơi cung cấp các hiệp thợ cho các triều đại phong kiến xây dựng kinh đô. Hiện nay, xã Kim Lũ có 4 thôn: Xuân Dương, Kim Thượng (Lủ Thượng), Kim Trung (Lủ Trung), Kim Hạ (Lủ Hạ).

HAI KIỀU E LỆ NÉP VÀO DƯỚI HOA
Bức tranh dân gian Đông Hồ mang tên “Đánh ghen” mô tả hai cô gái
– Cô gái đeo thắt lưng bao xanh là cô gái để ngực trần, đứng cạnh cái cây Mộc
– Cô gái đeo thắt lưng đỏ, mặc áo, cầm cái kéo đánh ghen là Kim
Anh chồng đứng bên cô gái đeo thắt lưng bao xanh, bảo vệ cho cô khỏi bị cô thắt lưng đỏ, đánh ghen bằng cái kéo.
Bức tranh dân gian Đông Hồ mang tên “Hứng dừa” cũng mô tả hai cô gái, nhưng cô gái mặc áo đỏ váy đỏ không cầm kéo, mà tung váy hứng dừa, và cô mới là trung tâm bức tranh, trong khi cô gái ngực trần đứng ở gốc cây trở thành nhân vật phụ
Hai bức tranh Đông Hồ trên mô tả trạng thái bật tắt âm dương của cầu Kiều, do tính lưỡng nghi bên trong một người nữ
– Cô thắt lưng bao xanh hay thắt lưng láng, bao la chủ về khí, về thanh âm và hương, về kết nối, cho đi, có tính sóng, tinh mộc với cảm xúc bao la, hướng ra bên ngoài. Các bài sau đều nói về cô gái thắt lưng bao xanh
—o—
Cô kia thắt cái lưng xanh
Ăn trộm tiền mẹ để dành cho trai
—o—
Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Ngày ngày thấp thoáng bên mành trông ai?
Trước đường xe ngựa bời bời
Bụi hồng mờ mịt ai người mắt xanh?
—o—
Em là con gái đồng chiêm
Lấy dao cắt cỏ, lấy liềm bổ cau
Quần màu nâu, áo màu nâu
Cái thắt lưng láng đứng đâu cũng giòn
—o—
– Cô thắt lưng bao đỏ, bao điều, hoặc các loại bao bằng vải dày, thô ráp, mặc áo đại diện chủ về thổ, về hình sắc và hạt vị, có tinh kim với tính cá thể, với sự sở hữu, cắt đứt và thu về. Các sau nói về cô gái thắt lưng đỏ, thắt lưng điều
—o—
Thắt lưng buộc bụng
—o—
Chàng ràng vì áo cụt nu
Vì dây lưng đỏ, vì dù cánh dơi
Cây mắm cò quăm, cây sú cò queo
Thắt lưng cho chặt mà theo anh về
—o—
Ăn cơm với cá mòi he,
Lấy chồng Cẩm Phả, đun xe suốt đời.
Em là con gái nhà giàu
Có dây xà tích giắt đầu thắt lưng
—o—
Anh là con trai nhà nghèo
Anh đi đánh giậm vai đèo giỏ cua
Trời làm thiên hạ mất mùa
Xà tích em mất, giỏ cua anh còn
—o—
Nếu cô thắt dải lưng xanh và hay thắt lưng bao xanh hay thắt lưng láng là cô Kiều, cô Thuý Kiều, thì cô thắt dải lưng đỏ, mặc váy đỏ áo xanh, là Thuý Vân. Nếu cô thắt dải lưng xanh và hay thắt lưng bao xanh là cô Tấm, tượng trưng cho sự kết nối với bên ngoài và chuyển hoá liên tục bên trong, thì cô thắt dải lưng đỏ là Cám, tượng trưng cho sự cắt đứt bên ngoài để thu về bên trong.
Khi cả hai cái thắt lưng đều hỏng cả, cô gái có thắt lưng con cón. Thắt lưng con cón nghĩa là phụ nữ không ra phụ nữ, vô tính nghĩa là không liên quan không đối xứng với đàn ông, hay phụ nữ trung tính, cạnh tranh với đàn ông, cư xử chả khác gì đàn ông
—o—
Làm trai cho đáng nên trai
Ăn cơm với vợ, lại nài vét niêu
Con vợ nó cũng biết điều
Thắt lưng con cón, cạy niêu với chồng
—o—
Khi người phụ nữ hợp nhất được tính lưỡng nghi bên trong mình, cô ấy thắt lưng màu tím hay màu huyền vì màu này là sự kết hợp của hồng và xanh
—o—
Lạy cha hai lạy một quỳ
Lạy mẹ bốn lạy con đi lấy chồng
Mẹ sắm cho con cái yếm nhất phẩm hồng
Thắt lưng đũi tím, bộ nhẫn đồng con đeo tay
—o—
Nhác trông cái yếm cũng xinh
Khen ai khéo dệt ra hình hoa mai
Khen người khâu yếm cũng tài
Cổ thêu con nhạn có hai đường viền
Cổ thì em ngả màu hiên
Thắt lưng mùi huyền, dải yếm cũng xinh
Khen ai khâu yếm cho mình
Đường lên đường xuống ra hình lưng ong
Yếm này em ngả màu hồng
Yếm này nhuộm mất mấy công hỡi nàng?
Khi xưa lụa hãy còn vàng
Khen ai khéo nhuộm cho nàng, nàng ơi!
—o—
Một người phụ nữ đích thực là người biết tự chăm lo cho dải thắt lưng của mình, biết khi nào cần bắc cầu kiều và khi nào cần cắt đứt, khi nào cần hướng ra và khi nào cần thu về, khi nào cần chuyển đổi và khi nào cần trụ lại
—o—
Anh mong đi giã thuyền nào
Để em sắm sửa con dao ăn trầu
Con dao ăn trầu cho lẫn cần câu
Cái mũ đội đầu, cái dải thắt lưng
Cái chèo cho lẫn cái thưng
Sắm sanh đủ thứ xin đừng lo chi

—o—

Chia sẻ:
Scroll to Top