Kim thằng Quỷ, chỉ Tây Hồ
Ai yêu thì lấy chẳng vồ lấy ai
—o—
Gươm vàng rớt xuống hồ Tây
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.
—o—
Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
—o—
Chẳng vui cũng thể hội Thầy
Chẳng trong cũng thể hồ Tây xứ Đoài
—o—
Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm
Cá rô Đầm Sét, sâm cầm Hồ Tây
—o—
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—
Đấy vàng đây cũng đồng đen
Đấy hoa sói trắng, đây sen Tây Hồ
Đấy em như tượng mới tô
Đây anh như người ngọc họa đồ trong tranh
—o—
Năm trai năm gái là mười
Năm dâu năm rể là đôi mươi tròn
Hai bên phụ mẫu song toàn
Rồi ra kéo được trâu vàng Hồ Tây
—o—
Nước Tây Hồ vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
—o—
Trai anh hùng mắc nạn,
Giả như quốc trạng bị vây,
Ới mấy chị em mình ơi,
Lập cơ mưu đồ trận,
Ra biển hồ Tây cứu chàng
—o—
Gương kia nỡ để bụi nhòa
Sông có Nhị Hà núi có Tản Viên
Thề kia sao để lỡ duyên
Trăng còn soi mãi vùng sen Tây Hồ
—o—
Núi sơn lâm nuôi nhân đào tản,
Biển Tây Hồ trợ kẻ lâm nguy.
Thương nhau dắt lấy nhau đi,
Ơn thầy nghĩa mẹ lo chi trả đền!
—o—
Ngồi trên bờ dốc buông câu
Trách ai xui giục con cá sầu không ăn
Cá không ăn câu anh vác cần về
Để ống lại đây
Đêm khuya thanh vắng hồ Tây
Anh thả mồi bận nữa, con cá này cũng ăn.
—o—
Mùa xuân dạo bước Tây Hồ
Thiên duyên sao khéo tình cờ gặp em
Gánh hoa hoa lại tươi thêm
Hương xuân đậu xuống vai mềm thêm xuân
Nói xa chẳng ngại nói gần
Ước gì tôi được làm thân với nàng
—o—-
Trên trời có một ông sao
Chỗ quang không mọc mọc vào đám mây
Nước hồ Tây biết bao giờ cạn
Nhị vườn đào biết vạn nào hoa
Đưa nhau một quãng đường xa
Hỏi thăm anh tú có nhà Cửa Nam.
—o—
Biển Tây Hồ thường ngày thường cạn,
Núi Lâm Sơn thường tháng thường cao;
Thuyền quyên ướm hỏi anh hào,
Sự tình thâm nhiễm, chàng tính làm sao cho thiếp nhờ?
– Khi anh ra đi thì biển hồ lai láng,
Chừ anh viếng lại, mần răng biển lại thành gò?
Sự tình thâm nhiễm, để anh so tháng ngày.
—o—
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau
—o—o—o—
CÁC LÀNG VEN HỒ TÂY
YÊN THÁI
Yên Thái có giếng trong xanh
Có đôi cá sấu ngồi canh đầu làng
Ai qua nhắn nhủ cô nàng
Yêu nhau xin chớ phũ phàng đổi thay.
Yên Thái : Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.
—o—
Ao làng Yên Thái xanh trong
Em về bên ấy theo chồng hôm qua
Em ơi trầu héo, cau già
Hình anh lẻ bóng, nếp nhà rêu phong
Người xưa giờ đã sang sông
Trăng xưa đã khuyết, vườn không bóng người
—o—
Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi
Em về bên ấy làm chi
Nước giếng thì đục, đường đi thì lầy
—o—
Nhất vui là chợ Ma Phường
Lắm hàng mọi chốn tìm đường đến mua
Hàng cau, hàng quít, hàng dừa
Hàng mơ, hàng mận, hàng dưa, hàng hồng
Ai lên Yên Thái mà trông
Trẻ già trai gái vợ chồng dắt nhau.
—o—
Tiếng chày giã dó trong sương
Tiếng ai seo giấy để vương vấn lòng
Cho người chắp bút chép kinh
Đẹp vần thơ lại đẹp mình đẹp ta
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—o—
LÀNG NGHÈ (TRUNG NHA)
Làng Nghè lập được trống quân
Ngoài Bưởi seo giấy cho dân học hành
Trung Nha : Tên nôm là làng Nghè, nay là thôn Trung Nha, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Xưa kia, trai làng giỏi nghề canh cửi, lại biết làm nghề làm giấy sắc phong, loại giấy bền, dai, dùng viết sắc chỉ, sớ tấu, biểu lệnh… “Nghè” là tiếng đập của hai chày tay do hai người giã vào xếp giấy cho mỏng tang.
—o—o—
BƯỞI
Cách nhau một giậu cúc tần
Em là hàng xóm rất gần nhà tôi
Lĩnh Bưởi đem bán chợ Nhồi
Tan buổi chợ ấy, tôi ngồi bên em
Miếng trầu cánh phượng đã têm
Trao em để đỏ xinh thêm môi người
Thế rồi cách trở xa xôi
Bên kia bờ giậu ai ngồi đợi tôi?
—o—
Chợ Bưởi ngày chín, ngày tư
Riêng một tháng tám lại dư phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo nhầm
Đi mua hoa quả chơi rằm trung thu.
—o—
Quần thâm, lĩnh Bưởi cạp điều
Hột vàng quấn cổ ra chiều giàu sang
—o—
Nước Tây Hồ vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
—o—
Phiên chợ Bưởi gặp cô mình
Yếm điều khăn nhiễu vừa xinh vừa giòn.
Ước gì cô hãy còn son
Để mẹ mua sắm cau tròn, trầu thơm.
—o—o—
TRÚC BẠCH – NGŨ XÁ
Lụa làng Trúc vừa thanh vừa bóng
May áo chàng cùng sóng áo em
Chữ tình cùng với chữ duyên
Xin đừng thay áo mà quên lời nguyền
Làng Trúc là Trúc Bạch
—o—
Lĩnh hoa Yên Thái
Đồ gốm Bát Tràng
Thợ vàng Định Công
Thợ đồng Ngũ Xã
—o—o—
YÊN PHỤ – YÊN QUANG
Vừa nghe tàu điện rung chuông
Leng keng đánh thức màn sương Tây Hồ
Đường vui rộn bánh xe bò,
Lao xao Yên Phụ tiếng hò gọi nhau
Hỏi mình: – Chuyên chở về đâu
Ngụy trang xanh ngắt một màu thế kia?
Rằng: – Rau Quảng Bá đây mà,
Rau vào xí nghiệp, rau ra chiến trường
Rau tình, rau nghĩa quê hương
Lại đây, đẩy một đoạn đường hộ rau
—o—
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yên Hoa anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua
—o—
Trên đê Cố Ngự, nhớ chữ đồng tâm
Hỡi cô đội nón ba tầm
Có về Yên Phụ hôm rằm lại sang
Phiên rằm chợ chính Yên Quang
Yêu hoa, anh đợi hoa nàng mới mua
—o—o—
QUẢNG BÁ
Hỡi cô thắt lưng bao xanh
Có về Quảng Bá với anh thì về
Quảng Bá nằm ở ven đê
Bốn mùa xanh tốt với nghề trồng rau
Anh đi trước em đi sau
Để bác mẹ biết trầu cau sang nhà.
—o—
Ổi Quảng Bá, cá hồ Tây
Hàng Đào tơ lụa làm say lòng người
—o—o—
NHẬT TÂN
Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế
—o—o—
NGỌC HÀ
Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh
Ơi người gánh nước giếng đình
Còn chăng hay đã trao tình cho ai?
—o—
Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỡi người xách nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này?
—o—
Ước gì anh biến thành hoa
Nhờ em cô gái Ngọc Hà chăm nom
—o—
Ngày rằm đi chợ mua hoa
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua
—o—
Con gái ở trại Hàng Hoa
Ăn cơm nửa bữa ngủ nhà nửa đêm
—o—
Cô Tây ở trại Hàng Hoa
Hột vàng quấn cổ, xe nhà nghênh ngang
Bố cô dọn quán bán hàng
Nhặt từng đồng kẽm còn sang nỗi gì
Cô còn bắc bực kiêu kì
Thông ngôn, kí lục, cu li trăm thằng
—o—
Bất kỳ sớm tối chiều trưa
Mưa khắp Hà Nội mưa ra Hải Phòng
Hạt mưa vừa mát vừa trong
Mưa xuống sông Hồng, mưa khắp mọi nơi
Hạt mưa chính ở trên trời
Mưa xuống Hà Nội là nơi cõi trần
Giêng hai lác đác mưa xuân
Hây hẩy mưa bụi, dần dần mưa sa
Hạt mưa vào giếng Ngọc Hà
Hạt thì vào nhị bông hoa mới trồi
Tháng năm, tháng sáu mưa mòi
Bước sang tháng bẩy sụt sùi mưa Ngâu
Thương thay cho vợ chồng Ngâu
Mỗi năm chỉ gặp mặt nhau một lần
Tháng tám mưa khắp xa gần
Bước sang tháng chín đúng tuần mưa rươi
Tháng mười mưa ít đi rồi
Nắng hanh trời biếc cho tươi má hồng
Một, chạp là tiết mùa đông
Mưa phùn đêm vắng trong lòng lạnh thay
Bài mưa anh đã họa đầy
Mối tình dào dạt đêm chầy như mưa
—o—o—
THUỴ CHƯƠNG – THUỴ KHÊ
Làng Võng bán lợn bán gà
Thụy Chương nấu rượu là đà cả đêm
Võng Thị : còn gọi là làng Võng, xưa ở huyện Quảng Đức, thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa phận phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Thụy Khuê Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.
—o—
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng tài
Sinh ra đèn máy thắp hoài năm canh
Thằng Tây ngồi nghĩ cũng sành
Sinh ra tàu điện chạy quanh phố phường
“La ga” thì ở Thụy Chương
Dây đồng cột sắt tìm đường kéo lên
Bồi bếp cho chí bồi bàn
Chạy tiền kí cược đi làm sơ vơ
Xưa nay có thế bao giờ
Có cái tàu điện đứng chờ ngã ba
Đàn ông cho chí đàn bà
Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên
Ba xu ghế gỗ rẻ tiền
Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng
Năm xu ngồi ghế đệm bông
Hỏi mình có sướng hay không hở mình?
—o—o—
THẬP TAM TRẠI
Nhớ ngày hăm ba tháng ba
Dân trại ta vượt Nhị Hà thăm quê
Kinh quán, cựu quán đề huề
Hồ Tây cá nhảy đi về trong mây
—o—o—o—
CHÙA & ĐỀN QUANH HỒ TÂY
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa vạc nấu dó, kìa sông đãi bìa
Kìa giấy Yên Thái như kia
Giếng sâu chín trượng nước thì trong xanh
Đầu chợ Bưởi có điếm cầm canh
Người đi kẻ lại như tranh họa đồ
Cổng chợ có miếu thờ vua
Đường cái chính xứ lên chùa Thiên Niên
Chùa Thiên Niên có cây vọng cách
Chùa Bà Sách có cây đa lông
Cổng làng Đông có cây khế ngọt
Con gái Kẻ Cót thì đi buôn xề
Con trai làng Nghè dệt cửi kéo hoa
An Phú nấu kẹo mạch nha
Làng Vòng làm cốm để mà tiến vua.
Họ Lại làm giấy sắc vua
Làng Láng mở hội kéo cờ hùng ghê.
Chùa Tảo Sách Cũng gọi là chùa Tào Sách hay chùa Bà Sách, tên chữ là Linh Sơn Tự, một ngôi chùa nổi tiếng ở về phía tây Hồ Tây, từ chợ Bưởi đi lên, nay thuộc địa phận phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Theo thống kê của Viện nghiên cứu Hán Nôm thì chùa có 42 câu đối (39 câu đối chữ Hán, 3 câu đối chữ Nôm), 23 bức đại tự, 2 quả chuông trong đó 1 quả đúc năm Minh Mệnh tam niên (1822), 24 văn bia, trong đó có đến 12 bia được lập vào năm Tân Tị niên hiệu Bảo Đại (1941). Từ lâu chùa đã được công nhận là di tích văn hóa.
Chùa Thiên Niên Tên chữ là Thiên Niên Cổ Tự, còn được gọi là chùa Trích Sài, một ngôi chùa nằm ngay sát bờ hồ Tây, thuộc làng Trích Sài, phường Bưởi, giáp ranh với phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa thờ Phật và thờ bà chúa dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô – thứ phi của vua Lê Thánh Tông đã từng truyền nghề dệt lĩnh cho nhân dân trong vùng.
—o—
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
—o—
Nhác trông lên chốn kinh đô
Kìa đền Quán Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm