GIẾNG ĐỒNG

Loading

GIẾNG NƯỚC CỦA CÔ TẤM
Trong chuyện Tấm Cám có một chi tiết khó hiểu, đó là cô Tấm nuôi cá Bống ở giếng nước nhà mình, lại còn hàng ngày còn gọi cá Bống lên ăn cơm.
Bống Bống Bang Bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Chơ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người
Việc làm của cô Tấm là đúng hay sai ? Nếu đây là chiếc giếng ăn bình thường, thì đây chắc chắn là việc sai trái. Giếng nhà là nơi chứa nước sạch cho cả gia đình, không được đổ bất kỳ cái gì vào giếng, chỉ được lấy nước ra khỏi giếng, ngay cả gàu để lấy nước ra khỏi giếng cũng không được dùng cho việc khác.
Không đổ bất kỳ cái gì vào giếng, kể cả nước sạch, thậm chí cả nước của chính cái giếng này đã múc ra. Đây không chỉ là vấn đề vệ sinh và an toàn nguồn nước dùng, mà còn là vấn đề tâm linh và năng lượng rất nghiêm trọng.
Một học sinh của tôi đi đã bị ngã chảy máu và mưng mủ đầu gối khi đi Hội An đã nhắn cho tôi câu chuyện của mình như sau “Lúc em xin nước ở Giếng Mái ngay chợ Hội An, em mượn gàu của cô bán chè trong chợ, trong gàu có sẵn nước, cô bảo em đổ đi rồi hãy múc nước mới, em thấy nước còn trong vắt nên không đổ ra cống bên cạnh mà đổ ngược vào giếng, mới đổ một tý thì cô bán rau ngồi đó mắng em không được đổ nước đang dùng ngược lại nguồn, như vậy là phạm. Sau đó thì em bị liên tục ngã, rồi vết thương chảy máu, mưng mủ, nên em nhờ chị lên xem giúp em, em nghĩ là em đã làm sai.”
Giếng là nguồn nước của gia đình. Nước giếng là một dạng nước nguồn. Các cụ có câu “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” và “Uống nước nhớ nguồn”. Đổ nước ngược vào giếng là uống nước phá nguồn.
Nếu bạn đọc cả câu chuyện Tấm Cám, bạn sẽ hiểu rằng chính ông Bụt đã hướng dẫn cho cô Tấm việc nuôi cá Bống, nên chắc chắn việc cô Tấm làm là đúng và sau này cá Bống đã giúp Tấm rất nhiều trong đó có việc gặp được hoàng tử. Tuy nhiên, chúng ta không thể học theo cô Tấm vì chúng ta không phải là Tấm, chúng ta không có Bụt đỡ, giếng của cô Tấm không phải giếng thường và vật chúng ta thả vào giếng không phải là cá Bống thần, cơm vàng, cơm bạc. Cái chúng ta cần hiểu rằng giếng của cô Tấm là giếng rất đặc biệt, có chức năng thu và giữ.
—o—o—o—
GIẾNG THU
Chiếc giếng tôi đào là một chiếc giếng thu, như tên của tôi Thu Hương.
Tôi đào giếng năm 2017. Năm tôi đào giếng đất có động rất lớn, nên tôi được nhắc phải đào giếng. Năm đó đã rất ít người đào giếng, người ta chỉ chuyên lấp giếng cũ và cần nước thì khoan giếng mới thôi, nên tôi phải thuê một nhóm thợ ở tỉnh khác đến. Dù tìm thợ đào giếng vất vả thế nào, trước ánh mắt lạ lùng của nhiều người, tôi vẫn quyết định đào giếng, vì tôi biết đây là một trong những việc nghiêm trọng nhất mà tôi đã từng làm trong đời mình. Khi đào giếng cảm nhận đất động càng rõ, có lúc động chạy trong đất xuyên cơ thể, làm trống ngực đánh dồn dập, nhiều lúc đứng cả tim.
Tôi đào giếng được 9m-10m thì có nước, tuy nhiên nước không nhiều. Điều lạ là xung quanh chỗ tôi có rất nhiều giếng khoan, nước đều rất nhiều và trong. Lạ hơn nữa là sau một thời gian thì giếng mất nước. Một hôm, một con mèo từ đâu rơi vào giếng, khi đó đã cạn. Tôi phát hiện ra con mèo ở trong giếng khi đi làm vườn. Mất mấy ngày, tôi mới cứu được nó ra khỏi giếng và cũng là cứu cái giếng khỏi con mèo, may mà con mèo vẫn sống khoẻ, nên ra được khỏi giếng là nó chạy biến đi luôn. Sau đó tôi quyết định làm lưới sắt trên miệng giếng để bảo vệ an toàn cho giếng cũng như cho người vào vườn. Lưới vẫn để không khí lưu thông, nước mưa, lá cây vẫn rơi xuống giếng bình thường.
Thực ra chiếc giếng này vẫn hoạt động, chỉ là vận hành của nó hơi ngược với các giếng thông thường, nghĩa là nó đã ngừng là giếng phát mà trở thành là giếng thu. Khi giếng cạn nước thì nó chưa trở thành giếng thu ngay, mà chỉ là giếng không thu không phát, sau đó giếng bật sang chế độ thu và thu hút con mèo rơi luôn xuống giếng.
Gọi là giếng thu nhưng không phải cái gì giếng cũng thu, mà giếng chỉ thu nước tự nhiên, nước “sạch”, nước “quý”. Khi biết giếng đang thu, khi đi đến sông suối hồ biển và các đình đền miếu linh thiêng mà có ao, mà có giếng, tôi đều mang nước về thắp hương rồi đem đổ vào giếng, để cho giếng thu nước ấy, các học sinh của tôi ở khắp nơi cũng gửi nước về giếng.
—o—o—o—
DẤU HIỆU CỦA GIẾNG THU
Giếng nước của cô Tấm là một giếng thu và giữ thì giếng này mới cho phép nuôi cá bống và việc nuôi cá Bống đỡ cho trạng thái thu của giếng, ngược lại giếng nước và cá Bống lại đỡ cho cô Tấm.
Những giếng linh thiêng cơ bản đều là giếng thu chứ không chỉ là giếng phát, mà là chức năng cơ bản của một chiếc giếng bình thường.
Những dấu hiệu của một chiếc giếng thu
– Miệng giếng rất rộng như cái ao, thậm chí như cái hồ, nhưng vẫn gọi là giếng. Phần miệng rộng như ao hồ này chính là phần thu. Đây thường là cấu trúc của giếng đình, giếng đền, giếng miếu, giếng cung đình. Giếng thu và giữ mạnh mới nuôi được sen.
– Có phong tục cổ thả tiền xu vào giếng (Lưu ý : thả tiền giấy, thả đồ bữa bãi, thả với mưu cầu cá nhân không xứng đáng … có thể làm hỏng giếng và những hành vi như vậy không đem lại may mắn mà sẽ bị phạt)
– Tên giếng hé lộ việc giếng có vận hành thu giữ, ví dụ Giếng Chén trên Hương Sơn
Tôi khuyên mọi người không nên cho bất kỳ cái gì vào giếng, giếng càng linh thiêng chúng ta càng phải bảo vệ cẩn trọng.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG THU + GIẾNG PHÁT
Tết Đoan Ngọ vừa rồi tôi, đứng ở giếng đào vào chính Ngọ, nhìn nắng xuyên tận đáy giếng, tôi lờ mờ nhận thấy giếng lại rơi vào tình trạng không thu không phát, vì đây là một trạng thái của Đoan Ngọ tuyệt đối.
Vì sợ phạm nên tôi không dám đổ nước vào giếng nữa. Lúc này giếng của tôi mới chính thức thành giếng đình, giếng không với nghĩa là công đình, đình công không thu không phát.
Sau đó, giếng chuyển sang chế độ thu rồi giữ, và phát rồi giữ, đồng thời với nhau.
Giếng đồng là giếng có nước được lưu trữ và vận hành hai chiều, cụ thể
– Giếng vừa thu vừa giữ
– Giếng vừa phát vừa giữ
Giếng của tôi đã chuyển sang giếng đồng qua một vận hành rất dài
– Mở thu : là lúc đào giếng và chưa có nước
– Mở phát đóng thu : là lúc giếng có nước
– Không thu không phát : là lúc giếng hết nước, giếng đình, giếng không
– Chỉ thu, dừng phát : từ lúc mèo ngã xuống giếng đến lúc giếng nhận nước từ các nơi gửi đến
– Thu dừng giữ, phát dừng giữ : đây lúc giếng ở trạng thái rừng
– Vừa thu vừa phát vừa giữ : đây lúc giếng ở trạng thái đồng, cụ thể là đồng thu và đồng phát
Một số dòng sông có vực với đền thờ rất thiêng, thường là các huyệt vừa thu và phát, và đều đủ mạnh để tạo thành các hồ nước rất sâu có xoáy ngầm. Các huyệt này bản chất là giếng đồng.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG TRỜI + GIẾNG ĐẤT
Một số nhà có giếng đất và giếng trời đối xứng âm dương với nhau
– giếng đất là giếng phát nước đất, giếng bạc
– giếng trời là giếng thu nắng trời, giếng vàng, đối xứng âm dương với nhau.
Đặc biệt một số nhà có hai giếng mạch này ở cùng vị trí, và trở thành giếng đồng.
Những vị trí này thường thành đình đền hơn là nhà riêng, nên nếu xuất hiện ở nhà riêng là cực kỳ quý hiếm.
Giếng của cô Tấm nuôi cá Bống chính là giếng đồng theo nghĩa này.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG ĐÌNH + GIẾNG RỪNG
Giếng đồng cũng là
– giếng đình
– đồng thời là giếng rừng, với rừng là trạng thái ngược với đình
Giếng tôi đào là giếng đình về cả cấu trúc – vị trí và vận hành – năng lượng.
Người làng đồn là tôi đào giếng thay cho giếng đình gần đó, mà khi đó đã bị bẩn rồi bị lấp hẳn sau vài năm khi sửa đình. Khi đào giếng, tối thấy được những ký ức của mảnh đất làng và của ngôi đình làng. Hoá ra đình làng ngày xưa rộng lắm bao trùm cả miếng đất của tôi cùng nhiều miếng đất khác nữa và giếng của tôi đào quả thật là giếng đình mặc dù bây giờ nó nằm ngoài khuôn viên đình.
Về vận hành giếng của tôi chỉ trở thành giếng đình, khi vừa thu và vừa phát, cân bằng với nhau, và đình lại được ở trạng thái đó, mà tạm gọi là trạng thái không. Khi giếng về trạng thái không một cách tự nhiên tôi đã không đụng đến đó nữa trong nhiều năm trời.
Ngày xưa, vua sẽ cấp đất ruộng cho đình chùa và hoa lợi cày cấy trên đất đấy là để làm việc làng, việc đình chùa, để cúng thành hoàng và cúng Phật. Vì đất của tôi là đất đình, giếng của tôi là giếng đình, thế là sau này mỗi khi làng có lễ hội làng là tôi không dám vắng mặt.
Khi mới tự có nước trở lại, giếng của tôi phát ra tiếng kêu như mó nước ở rừng, khác xa với lúc mới có nước khi đào. Mó nước chính là một kiểu giếng rừng. Trước đó tôi cũng nỗ lực nối được vườn của mình về rừng bằng nhiều cách khác nhau, trong đó có việc trồng cây mang về rừng trong vườn.
Người xưa quý giếng lắm, đặc biệt hai loại giếng quý là giếng rừng và giếng đình, vì những giếng này là long mạch, là nguồn sống, nguồn tài lộc, không chỉ của người mà của vạn vật trên đất.
Rừng là một trạng thái ngược với đình. Đình là nơi thờ cúng thành hoàng làng và tụ tập người dân của cả làng. Rừng là nơi hoang vắng người dân chỉ vào khi cần rồi lại rút ra ngay, đặc biệt rừng thiêng nước độc chính là một dạng rừng cấm với người làng.
Giếng rừng là giếng ẩn trong rừng tự nhiên và cả trong các giếng nhân tạo
– ẩn trong rừng ở dạng mó nước, và mó nước có thể ẩn trong hồ, trong thác, …
– ẩn ở trong giếng đình, giếng đền, giếng miếu …
Giếng đình quý hơn giếng nhà, vì nó là giếng chung của cả làng. Những giếng đình thiêng tập hợp cả làng đến lấy nước, như sân đình làng tụ họp dân làng đến vui chơi, họp hành và cúng lễ.
Đất Ngọc Hà tốt tươi phong cảnh
Gái Ngọc Hà vừa đảm vừa xinh
Ơi người gánh nước giếng đình
Còn chăng hay đã trao tình cho ai?
Giếng đình bây giờ còn quý hơn ngày xưa vì rất hiếm và hầu như vượt quá nhận thức chung của người làng.
Nhiều giếng cổ của người Chăm còn giữ được ở miền Trung là giếng đồng rừng biển và đồng đình, vì nó phát nước ra như mó nước lại vừa cho phép mọi người đến đó tắm rửa như ao làng, mà nước vẫn trong, hoặc giếng có cấu trúc vuông tròn kết hợp.
Giếng Chén giữ rừng núi Hương Sơn là giếng đồng kiểu thu phát và đình rừng.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG VÀNG + GIẾNG BẠC
Một số giếng đồng đặc biệt linh thiêng vì là đồng đen, một hợp kim của vàng, bạc và đồng. Đồng đen là đồng đặc biệt tạo nên từ sự đồng điệu của vàng và bạc qua đồng, mà vàng và bạc bình thường ở trạng thái không dung hoà, tạm gọi là âm dương vô cực. Sự tích hồ Tây, có nói đến vị quốc sư Nguyễn Minh Không đời Lý, hiệu là Lý Quốc Sư đã dùng đồng đen triệu trâu vàng từ Trung Quốc về hồ Tây vì “Đồng đen là mẹ trâu vàng”. Có thể nói trong hợp kim vàng, bạc, đồng thì đồng đen chính là mẹ, là mẫu số chung.
Tượng đồng đen rất quý. Bức tượng Trấn Vũ ở đền Trấn Vũ Quán Thánh và đền Trấn Vũ Thạch Bàn đều làm từ đồng đen. Đình làng tôi trước kia có đôi hạc đồng đen, bị người làng khác sang đánh cắp. Người này muốn nung đồng ra bán, nhưng không nung được nên hoảng sợ vứt xuống sông, sau đó người này cũng bị chết đuối, còn tượng đồng từ đó bị mất.
Một cái giếng thu và phát cực kỳ linh thiêng là giếng Đồng Đen, mà là mẹ của cả giếng Bạc và giếng Vàng.
Một số giếng nước nguồn có tên là Giếng Bạc, vì bạc là nguyên tố tán xạ, tán phát. Giếng Bạc là giếng phát tích, giếng mạch nguồn, giếng Tổ. Có câu “rừng vàng biển bạc”, “trăng bạc”, và “nước bạc”. Một số con suối hay cái thác nước có ẩn mó nước nguồn bên trong nên có tên là Bạc. Đó là lý do mà chúng ta có nhiều Thác Bạc và Suối Bạc. Ở trong dãy núi Tam Đảo, có thác Bạc trên đường lên đỉnh Tây Thiên, có thác Bạc phía vườn quốc gia ở huyện Đại Từ, và Tam Đảo không chỉ có hai địa danh bạc này, vì Tam Đảo có biển bạc.
Một số giếng chùa linh thiêng được rất nhiều người biết đến là Giếng Vàng, vì vàng là nguyên tố có tính thu, tính tập hợp, tính trung tâm, và liên quan đến đạo Phật.
Giếng đồng tiêu biểu là giếng làng Mãn Xá hay giếng Man Nương ở chùa Tổ – Phúc Nghiêm Tự, thuộc phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thuận Thành xưa là vùng đất cổ Luy Lâu. Đây là nơi Phật Tổ Man Nương cắm cây Tích Trượng mà sư Khâu Đà La cho xuống đất, và từ đó nước phun trào cứu cho cả vùng Luy Lâu khỏi hạn hán. Phương cắm cây tích trương là phương thu, tạo nên giếng trời, giếng Phật, giếng vàng. Phương nước phun lên là phương phát, tao nên giếng đất, giếng Mẫu, giếng bạc. Chính vì thế giếng này được gọi là giếng Phật Tổ Man Nương.
Quay lại giếng của cô Tấm, đây là giếng vàng, giếng bạc, giếng đồng đen, cho nên nó mới nhận cơm vàng, cơm bạc của cô Tấm.
Trải nghiệm vàng của cô Tấm là gặp hoàng tử, hoá chim vàng anh, thành quả thị, gặp lại hoàng tử. Trải nghiệm bạc của cô Tấm là mất giỏ cá, mất mạng nhiều lần trong tay Bống, đánh rơi giầy và lạc mất hoàng tử. Trải nghiệm đồng đen là thu mạng của Cám và lấy mạng của Cám, cân bằng lại cả hai trải nghiệm vàng và bạc của mình. Đây là trải nghiệm đỉnh cao và kết thúc câu chuyện Tấm Cám.
Tấm Cám là cổ tích về đồng lúa, ở trạng thái ẩn đồng đen. Tấm Cám là lưỡng nghi của hạt gạo, gốc là nước bạc. Hoàng tử là vỏ trấu, là rừng vàng mà cũng là hoàng cung. Kết hợp lại ra hạt thóc.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG ĐỒNG SINH ĐỒNG TỬ
Tấm Cám là cặp đồng sinh đồng tử. Tấm là âm dương thuận lý, nên Cám nói gì Tấm cũng nghe, còn Cám là âm dương nghịch nên Cám có tư duy có Tấm thì không có Cám, nên Cám phải giết Tấm. Khi Tấm giết Cám, thì Cám chết nhưng tái sinh vào Tấm. Lúc này Tấm đi được âm dương nghịch lý và Cám đi được âm dương thuận lý thì hai người này tự cân bằng và hoàn thiện chính mình, đồng hoá được với nhau để thành đồng sinh đồng tử.
Giếng nơi Tấm nuôi cá Bống là giếng đồng sinh đồng tử giữa Tấm và Bống.
Giếng ở nhà bà hàng nước, nơi Tấm hoá thân từ quả thị là đồng sinh đồng tử giữa các trạng thái hay các hoá thân của Tấm.
Vị trí mà Cám gội đầu lần cuối chính là giếng đồng sinh đồng tử của Tấm và Cám.
Giếng đồng sinh đồng tử này ở đền chùa bà Tấm, thờ Nguyên Phi Ỷ Lan. Đây cũng là Thượng dương cung, nơi Thượng Dương hoàng hậu đã mất.
Giếng đồng sinh đồng tử tiêu biểu nhất là giếng nằm trong cụm Đền Thờ, Miếu Mèn, Mả Dạ, mộ của bà Man Thiện, mẹ của Hai Bà Trưng.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG BÀO + GIẾNG DẠ
Giếng là cấu trúc cung cấp nước, tương ứng với rốn để đưa máu đi khắp nơi trong bào thai, và nằm trong bộ Thân Rốn Ối Nhau sau
– Giếng – Đường – Mó nước/suối khe là các cấu trúc dẫn nước, dẫn máu, hay Rốn
– Nhà (của người) – Đình/Đền/Miếu (của thần linh) – Núi (của cây con) là cấu trúc chứa, Thân đỡ Thân
– Vườn – Đồng – Rừng là cấu trúc nuôi thân hay Nhau
– Ao – Hồ – Biển là Ối là gốc của Máu, nuôi dưỡng tất cả thân, rốn, ối
Bộ này đi dọc theo thân như sau
– Nhà là thân
– Giếng là rốn, đường dẫn máu cho thân
– Vườn là cấu trúc dưỡng nuôi thân thân
– Ao là ối thân, sau thành thể vía (3 hồn 7 vía nam, 3 hồn 9 vía nữ)
Giếng Dạ là giếng của làng Phụng Công, nơi thờ Lã Tá Đường và Hai Bà Trưng. Lã Tá Đường có thể hiểu là nước nền đi đường nào cũng được, máu nền của bách tính.
—o—o—o—
GIẾNG ĐỒNG = GIẾNG ÂM + GIẾNG DƯƠNG
Bản chất của giếng đồng là giếng âm dương, có 2 tinh thần giếng một nam và một nữ.
Một số trường hợp giếng đồng ở đình, tinh thần nam giữ giếng chính là thành hoàng làng, còn tinh thần nữ là nữ thần giếng.
Giếng Man Nương là giếng âm dương,
– Man Nương là tinh thần âm, giữ nước giếng, giếng đất, liên quan đến sông Dâu
– Khâu Đà Là, đi cùng cây tích trượng, giữ cấu trúc giếng, giếng khí và giếng trời, liên quan đến sông Thiên Đức
Chia sẻ:
Scroll to Top