Hỏi : Lúc nãy tụi em có ghé chùa nhờ thầy, thầy đồng ý nhận ảnh tượng thờ đem về chùa. Ngày mai hay mốt thì thầy sẽ qua nhà em để lấy nhưng thầy có khuyên tụi em nên giữ lại tượng phật Quan Âm để thờ cho an nhà.
Bài viết này để hướng dẫn việc đặt tượng Phật trong nhà.
Muốn an nhà thì người sống trong nhà phải có nhận thức đúng và hành vi đúng. Muốn an với tượng Phật, thì phải biết đúng chính xác bản chất của nó, phải biết đặt đúng nơi, đúng lúc và dùng đúng cách, và nếu vứt bỏ tượng Phật, cũng phải biết vứt đúng lúc, đúng nơi và đúng cách.
Không hiểu biết thì không đặt tượng Phật trong nhà được mà cũng chẳng vứt tượng Phật đã có sẵn ra khỏi nhà được, vì đi đường nào thì cũng cần sự hiểu biết.
Nếu đặt tượng Phật trong nhà thì phải đảm bảo là mình hiểu, cho dù mình đi theo lời khuyên của người khác mình cũng phải đảm bảo là lời khuyên đúng, mình hiểu đúng và mình làm đúng.
Người khác khuyên hay người khác làm được không có nghĩa là mình hiểu được hay mình làm được.
Nếu mình không đảm bảo được rằng mình hiểu đúng và làm đúng theo lời khuyên này, thì mình phải dừng lại trước một cái ngưỡng của tham cầu và u mê của chính mình.
Trước khi tu Phật thì mình phải tu cái thân và cái tâm của chính mình trước, phải biết cái u mê và tham cầu của mình là cái đầu tiên mà mình phải chịu trách nhiệm và là cái ngưỡng cái đầu tiên mà mình phải tự biết để dừng lại trước khi quá lạm.
1. Chùa là Vô, có tượng đặc biệt tượng Thích Ca ở trung tâm là Hữu. Nhà riêng là Hữu, có tượng Phật bên trong lại thành Vô.
2. Trừ các trường hợp đặc biệt, một người bình thường không thờ cúng Phật trong tư gia với ban thờ riêng, bát hương riêng, tượng ảnh riêng. Người bình thường chỉ khấn Phật và niệm Phật trước ban thờ gia tiên tại vị trí bát hương trung tâm của ban thờ gia tiên.
3. Khi mình không có bát hương và ban thờ gia tiên, thì lập bát hương gia tiên
– Không được dùng ban thờ Phật của mình lập hay người khác lập sẵn trong nhà để khấn vái gia tiên của mình.
– Không đánh đồng bát hương và ban thờ Phật thành bát hương và ban thờ gia tiên và khấn vái gia tiên trước ban thờ Phật dù mình có thể khấn Phật và xin Phật gia trì cho mình và gia tiên trước ban thờ Phật
Bát hương phải có đối tượng thờ cúng, và một khi đối tượng thờ cúng đã được xác lập, nghĩa là bát hương đã dành cho ai đó thì không được tự động chuyển sang bát hương sang cho đối tượng khác, hoặc dùng bát hương dành cho đối tượng này để thờ cúng đối tượng khác.
4. Không thể chuyển bát hương và ban thờ Phật thành bát hương và ban thờ gia tiên mà chỉ có thể đóng hoàn toàn bát hương và ban thờ Phật và chuyển bát hương trung tâm của ban thờ Phật sau khi đóng thành bát hương trung tâm của ban thờ gia tiên và khấn Phật cùng các vị thần linh tại bát hương trung tâm này.
5. Nếu mình đã lập bát hương trung tâm để thờ các vị Thần linh bảo vệ cho ngôi nhà và ban thờ gia tiên, rồi mình lại có ý định chuyển ngược bát hương trung tâm của ban thờ gia tiên trở thành bát hương thờ riêng Phật hoặc riêng một vị Phật thì toàn bộ ban thờ gia tiên sẽ sập, vì hành động này của mình sẽ tương đương với việc đuổi hết thần linh như Thần Tài và Thổ Địa ra khỏi ban thờ, theo đó đuổi hết gia tiên ra khỏi ban thờ vì gia tiên không được thần linh che chở và bảo vệ. Phật không làm việc này mà chính bản ngã của gia chủ làm việc này, và Phật sẽ không đứng ra bảo vệ cho các dạng hành vi như vậy của gia chủ.
6. Không trang trí ban thờ gia tiên bằng ảnh Phật và tượng Phật. Ban thờ gia tiên chỉ được có những vật liên quan đến thờ cúng gia tiên, không có bất kỳ đồ trang trí nào. Nếu đã trót trang trí tượng Phật và không sửa đổi được nữa, thì hãy giữ tâm vững vàng hướng về các thần linh cụ thể và giá tri tinh thần đích thực của Phật đang bảo vệ ban thờ gia tiên.
7. Không trang trí nhà cửa bằng ảnh Phật và tượng Phật. Chúng ta nên trang trí nhà cửa bằng vật trang trí bình thường, mà phù hợp với năng lực nhận thức và năng lực hành vi của chúng ta, và phù hợp với mục đích trang trí. Về nguyên tắc tượng Phật để trang trí chỉ có giá trị như bất kỳ đồ dùng để trang trí nào, nghĩa là có thể để bất kỳ đâu chúng ta muốn và đập bỏ, bôi tô hay đối xử với bức tượng theo bất kỳ cách nào chúng thích. Như vậy thì rất không nên dùng tượng Phật để trang trí.
8. Dùng tượng Phật như phương tiện quán chiếu tâm, định tâm và tu tâm trước ban thờ gia tiên
Các hình tư tưởng của xã hội, của nhân loại gắn với các đồ thờ cúng như tượng Phật là rất lớn, và ảnh hưởng rất mạnh đến tư tưởng của cá nhân chúng ta. Đứng trước một bức tượng Phật trang trí vô tri, chúng ta thường xuyên u mê và chập cheng hai hành vi là thờ cúng và trang trí, và hai đối tượng vô tri và tâm linh vào nhau.
Ví dụ : Nhìn một bức tượng Phật trang trí chúng ta lại nghĩ đến đức Phật, đến đạo Phật và đến việc cha mẹ chúng ta thờ Phật, thì ngay thời khắc chúng ta có dạng tâm lý chập cheng này, chúng ta lập tức biến bức tượng bình thường thành một bức tượng bất thường, bằng cách trùm trường năng lượng vọng tưởng cá nhân của chúng ta lên bức tượng này. Không những thế chúng ta tiếp tục đi hỏi han và nhờ vả người này, người khác cho các nhận thức và hành vi cá nhân của chúng ta liên quan đến bức tượng Phật mà đáng lẽ chúng ta phải tự chủ. Bằng cách này, chúng ta tiếp tục để cho các trường năng lương của những người ngoài này trùm lên thêm các lớp mới lên bức tượng Phật sau khi trùm lên chính chúng ta. Vọng tưởng của chúng ta luôn diễn ra cực nhanh không ngừng nghỉ và một khi đã có đối tượng để neo vào như một bức tượng Phật thì sẽ có tính lôi kéo, tích tụ và chồng chất thêm các dạng khác, từ các nơi khác, thành các lớp khác, mà chúng ta không thể nhận thức hay kiểm soát được. Kết quả là bức tượng Phật này ngay khi rơi vào tình trạng vọng tưởng thì dù không thể dùng để thờ cúng trong tư gia được, thì vứt đi cũng không nỡ, cho tặng người hiểu biết thì người ta tự nhiên không muốn nhận, mà dùng để trang trí cũng không xong.
Chỉ có chủ thể của bức tượng mới thanh lọc được bức tượng. Kể cả chúng ta nhờ người thanh lọc tượng và người này thật sự thanh lọc được bức tượng khỏi các trường năng lượng thuộc và không thuộc về chủ nhân của bức tượng, thì ngay thời khắc bức tượng nguyên lành được trao trả cho chúng ta thì tạp niệm có sẵn trong trường hào quang và các trường năng lượng của chúng ta sẽ trùm lên bức tượng và bọc ngay lấy nó. Quá trình này sẽ diễn tự động và tức khắc cho đến khi trường năng lượng của chúng ta và trường năng lượng của bức tượng gần như đồng nhất theo nguyên lý bình thông nhau thì mới dừng. Bất kỳ khi nào chúng ta lại gần bức tượng và có sự chênh lệch tạp niệm thì quá trình này lại diễn ra. Khi một bức tượng đã có sẵn từ lực với chúng ta, thì việc thanh lọc nó liên tiếp trong thời gian ngắn là vô ích, mà chúng ta phải thanh lọc nó và thanh lọc thân tâm của chính chúng ta định kỳ.
Tượng Phật trong tay phụ nữ trẻ hay những người có trường vía âm thường gặp tình trạng này rất nhanh và rất nặng nề so với các đồ vật bình thường khác và so với tượng Phật trong tay đàn ông hay phụ nữ đã trưởng thành. Cho nên những người có nhận thức chưa tường mình và ý chí chưa vững vàng nói chung sẽ không thể làm chủ một bức tượng Phật đã từng qua thờ cúng, mà họ sẽ muốn đẩy trách nhiệm cho người khác mà họ cho rằng xứng đáng hơn hoặc giữ nó lại để thờ cúng tiếp sau khi thanh lọc.
Đặc trưng của tư duy của phụ nữ trẻ là mất tâm, lấy đối tượng khác (ở đây là tượng Phật) làm tâm, rồi lồng các dạng tâm của các đối tượng khác nhau sang nhau và quán chiếu tâm từ đối tượng này sang đối tượng khác lòng vòng chồng chéo, thay vì trụ tâm chính mình và kết nối thẳng từ tâm đến tâm. Quán chiếu là quá trình diễn ra trong từng khoảnh khắc bên trong mỗi người phụ nữ, tự nhiên như hơi thở, nên chính bản thân họ cũng không thể nào mà nhận thức hay kiểm soát được.
Người mất tâm, mất tự chủ thường xuyên đi hỏi ý kiến, đi nhờ, hướng đến người khác với rất nhiều cảm xúc cả tích cực và tiêu cực, nhưng lại không hỏi tự xét và tự chính bản thân mình rằng mình là ai, tự mình có năng lực đến đâu, mình có trách nhiệm đến đâu và những ý kiến, những khuôn mẫu, những đối tượng bên ngoài có phù hợp với mình hay không.
Từ lực của bức tượng và tâm lý quán chiếu khiến một người cho rằng bức tượng liên quan đến giá trị của đạo Phật hay các dạng tinh thần linh thiêng hay các kỷ niệm gia đình quý báu, dù rõ ràng là những thứ này chỉ có thể ở trong các trường gốc sinh ra chúng chứ không thể ở trong tượng được, ví dụ ký ức phải ở trong trường gia đình, giá trị của đạo Phật nằm ở các vị Phật và người chân tu đạo Phật, chứ không ở trong tượng.
Không phải vì bức tượng Phật trong trạng thái trong lành nguyên thuỷ có vấn đề gì đặc biệt mà trường năng lượng, nhận thức và hành vi của người sở hữu các bức tượng có nhiều hạn chế. Chừng nào còn ở trong tình trạng này chúng ta sẽ không có năng lực thanh lọc và phân tách ra khỏi bức tượng này được, bởi vì chúng ta không có năng lực thanh lọc được chính nhận thức và hành vi của mình, cũng như không kiểm soát được vận hành năng lượng của chính mình. Sự mất tự chủ của chính chúng ta và sự vọng tưởng của chúng ta mở cổng cho đủ thứ bên ngoài vào bên trong chúng ta và vào cả bức tượng, và lúc này bức tượng không còn nguyên vẹn, thuần khiết và đơn giản như nó chính là nữa, mà luôn luôn bị chập cheng vào chúng ta, và chập cheng vào những người và những thứ mà có sự ảnh hưởng đến chúng ta.
Để ngăn ngừa tình trạng này, tốt nhất là không mua và không nhận tượng Phật về nhà để trang trí, và khi cần cung tiến, cho tặng hay vứt bỏ tượng Phật, thì chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân việc mình làm, thời điểm mình cần làm, cách thức mình cần làm và cần tự làm việc đó mà không hỏi ý kiến, nhờ vả hay đùn đầy trách nhiệm sang người khác.
Nếu chúng ta đã có sẵn một bức tượng Phật đã từng dùng để thờ cúng như vậy trong nhà rồi thì có một cách đặt tượng ở nhà như sau : Chúng ta đặt bức tượng Phật này ở bệ sát đất và phía trước ban thờ gia tiên, ở vị trí đối xứng với chúng ta khi chúng ta ngồi khấn hay cầu kinh ở chính giữa và ngay trước ban thờ, giữa chúng ta và bức tượng không có bất kỳ cái gì khác và không có bát hương.
Bức tượng này phản ánh Phật tâm của chúng ta, mà còn bị che mờ trong hình tướng và phản ánh sự mất tự chủ của chúng ta mà khiến chúng ta không trụ tâm được mà phải nương tựa vào hình tướng bên ngoài. Cách đặt tượng này sẽ giúp chuyển sự nương tựa và hướng ngoại của chúng ta vào tượng, thành sự tự quán chiếu và sự phản chiếu trạng thái tâm của chúng ta qua tượng như một tấm gương, giúp chúng ta soi chiếu, thanh lọc và tu sửa chính mình.
Quán chiếu là nguyên lý gốc trong tên Đức Phật Quán Âm, quán chiếu là nguyên lý vận hành của âm, của tính nữ, nên cách đặt tượng này phù hợp nhất với tượng Quán Âm và với đối tượng nữ.
Mỗi lần khấn nguyện và cầu kinh, chừng nào còn chấp niệm và vọng tưởng (mà đương nhiên làm người ai mà không có), chúng ta vẫn tiếp tục phủ các chấp niệm và vọng tưởng này vào bức tượng. Cho nên định kỳ chúng ta cần thực hiện nghi thức thanh lọc tượng, mà cũng chính là nghi thức thanh lọc tâm của mình. Ví dụ trời mưa, chúng ta mang tượng ra tắm, trời nắng, chúng ta mang tượng ra phơi khô và lời nguyện của chúng ta là thanh lọc vọng tưởng và tạp niệm của chúng ta gắn vào bức tượng. Hy vọng, đến một lúc nào đó, bức tượng trở lại như nó chính là, thì đó cũng là lúc chúng ta quay trở lại là chính chúng ta và tự chủ được trong chính chúng ta.
“Nhận thức hiện thực như nó chính là” là một nguyên lý cực kỳ khó thực hiện của đạo Phật. “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là một tuyên ngôn cốt lõi mà cũng cực kỳ khó hiểu và cũng khó thực hiện của đạo Phật. Bởi vì Phật Tâm và sự tự chủ là một giá trị cốt lõi của đạo Phật mà hầu hết chúng ta không có được, chúng ta cần thời gian, cần trải nghiệm và chúng ta hãy cho chính chúng ta thời gian và sự trải nghiệm đích thực để tự trưởng thành. Chừng nào mà chúng ta còn hướng đến Phật Tâm đích thực và tự mình cố gắng tự đi trên con đường đạo Phật đích thực, chứ không chạy theo hình tướng và dựa dẫm vào đối tượng bên ngoài thì dần dần chúng ta sẽ vững vàng hơn.