CON GÀ TRONG CỖ CÚNG NGOÀI TRỜI

Loading

Trong tất cả các mâm cúng ngoài trời, tiêu biểu là mâm cúng ngoài trời giao thừa của gia chủ, gà luộc luôn là món quan trọng nhất, thậm chí là duy nhất cũng đủ.
Gà cúng dùng cho ba mục đích chính
– Cúng đất vì gà đại diện cho chủ đất và biên đất : làm nhập trạch, động thổ hoặc cúng nhà đất cuối năm
– Cúng bắt đầu vòng địa chi (chu kỳ ngày, giờ, tháng, năm) : làm ngày mùng 3 Tết, ngày ra mắt
– Cúng giao thừa để chuyển giao không thời gian : làm lúc Giao thừa
Để con gà thường thành con gà cúng, như để cây tre thường thành cây nêu, cần có sự hợp nhất của ba tinh thần
– tinh thần của gà (với cây nêu thì đó là tinh thần của cây tre)
– tinh thần của người chủ lễ
– tinh thần của đất nước và xứ sở
Bộ ba này vẫn ứng với ba bát hương trên ban thờ
– gà ứng với bát hương thần linh ở trung tâm
– người ứng với bát hương gia tiên bên phải người đứng trước ban thờ
– đất nước xứ sở ứng với bát hương bà cô ông mãnh bên trái
Muốn thêm cái gì vào mâm cúng thì vẫn cần giữ cấu trúc bộ ba như trên với con gà ở trung tâm
– Bổ sung chén nước : ứng với xứ sở (bát hương bà cô ông mãnh)
– Bổ sung trầu cau : ứng với dòng máu (bát hương gia tiên)
Nếu bổ sung quá nhiều vào mâm cúng thì có thể phá cấu trúc cơ bản và mục đích chính của buổi lễ.
Trong tất cả các buổi lễ, công việc tự làm đồ lễ mới là phần quan trọng. Đến lúc sắp hương và thắp hương, chủ lễ mới đụng tay vào, còn trước đó toàn mua sẵn hoặc nhờ làm hộ thì đã quá muộn để giữ được tinh thần làm chủ nguyên vẹn rồi.
– Nếu con gà mua sẵn đã chết thì tinh thần của nó còn đâu mà cúng hoặc còn đi theo xác cũng rất yếu.
– Chỉ có người chủ lễ mới biết rõ mình giết gà để làm lễ gì và phải chịu trách nhiệm cá nhân về buổi cúng. Nếu người giết gà không phải là người chủ lễ, thì làm sao có được sự hợp nhất tinh thần của con gà và tinh thần của người chủ lễ.
– Có câu “chó giữ nhà, gà giữ đất”. Đất là không gian mà đất cũng là thời gian. Để con gà cúng mang được tinh thần nhà đất của người chủ lễ thì tốt nhất nó là con gà được chủ lễ nuôi trên đất của mình. Hiện nay có những gia đình vẫn tự nuôi gà chỉ để giỗ Tết làm mâm cúng. Nếu không tự nuôi được gà thì nên mua gà trước, sao cho gà có thể ngủ ít nhất một đêm trên đất nhà, rồi mới đem giết thịt. Khi con gà được sắp lên mâm cúng ngoài trời thì con gà lại được đặt lại vào giữa mảnh đất và xứ sở nơi nó được sinh ra, và con gà đại diện cho tinh thần làm chủ mảnh đất và xứ sở cả về không gian và thời gian.
Thống nhất tinh thần là phần quan trọng gần như nhất của tất cả các lễ cúng
– Tinh thần của gà khi hợp nhất với tinh thần của người chủ lễ, thì con gà cúng lúc đó đại diện cho tính chủ thể không gian. Gà cúng dùng trong mâm cúng các lễ nhà đất ngoài trời của người chủ sở hữu nhất đất. Vậy nếu chúng ta không mua nhà đất và không sống trên nhà đất sở hữu nhà đất (nhà chung cư, nhà thuê, nhà mượn, nhà mình chỉ là khách ….) thì không cần cúng gà.
– Tinh thần của gà khi hợp nhất với tinh thần của người chủ lễ, thì tiếng gà gáy báo canh giờ đại diện cho chủ đất về thời gian. Gà cúng dùng trong mâm cúng các lễ chu kỳ ngoài trời, mà tiêu biểu là lễ ngày mùng 3 Tết. Vậy nếu chúng ta không quan tâm đến thanh âm của bản thân, đến nhịp điệu thời gian, đến giai điệu của từng ngày lễ Tết, đến mùa vụ, đến thời thế thì chúng ta cũng không cần cúng gà.
Mâm cúng ngoài trời phải được định vị rõ ràng. Vị trí đặt mâm cúng ở đâu để có cả trời và đất ? Nhiều nhà làm mâm cúng ngoài trời trên sân thượng vì nhà làm hết diện tích đất không còn sân trước. Mâm cúng trên sân thượng có trời nhưng mất đất, đặc biệt khi ban thờ cũng đặt trên tầng cao nhất của ngôi nhà thì cả hai mâm cúng trong nhà và ngoài trời đều thiếu đất. Nếu có thể, hãy làm mâm cúng ngoài trời trên nền đất, trước cửa nhà, bởi vì cái nhà nào cũng phải đặt trên đất.
Mâm cúng ngoài trời phải được định hướng rõ ràng. Con gà quay đầu, quay mỏ đi đâu ? Ra cửa đất ? Vào cửa nhà ? Ra vườn ? Ra giếng ? Ra cây nêu ? Người chủ đất đứng cùng hướng với con gà hay đối diện với con gà ? Mâm cúng trong nhà đã có sẵn hướng và được cố định hướng. Hướng mâm cúng ngoài trời hoàn toàn có thể thay đổi hướng tùy lễ cúng và mục đích cúng.
Mâm cúng ngoài trời cũng phải được xác định thời khắc rõ ràng : cúng ngày hay cúng đêm, canh giờ nào, chu kỳ nào …
Quá trình làm gà và hình dáng con gà cuối cùng trên mâm cúng gợi ý chính xác các vấn đề chủ lễ và các trọng tâm của buổi lễ cúng. Nếu chúng ta tự tay làm vài ba con gà cúng rồi, chúng ta sẽ phát hiện ra, cách làm gà không thay đổi nhưng tuỳ theo lễ cúng, mà chẳng con gà nào giống con gà nào từ bước mua gà, nuôi gà trước khi thịt, cắt tiết gà, mổ gà, luộc gà và dáng gà trên mâm cúng.
Tốt nhất là chủ lễ tự mình làm gà sống trọn vẹn từ bước cắt tiết, mổ gà moi, luộc gà, đến cho gà lên mâm cúng, thắp hương cúng và hạ lễ.
Luộc gà xong là con gà tự có màu sắc của nó và tự ổn định dáng cánh, chân và đầu cua nó. Gà cúng không cần và không nên sử dụng phẩm mầu. Gà cúng không cần buộc đầu cánh để làm gà cánh tiên cánh phượng gì cả, nhưng người chủ lễ cần có ý thức về cấu trúc của con gà khi luộc xong.
Gà cúng có cấu trúc tốt cần khép kín chắc chắn : Nội tạng và tiết nên cho hết vào bên trong nó. Cán của nó không xoè ngang hay xã ra. Chân gà phải tiếp đất và khép vào mình gà. Đầu gà nên được ngẩng lên, mỏ hướng về phía trước và mào hướng lên trời.
Con gà đầu tiên tôi mình tự cắt tiết, làm lông, rồi mang sang nhà bố mẹ luộc rồi để cúng bên nhà bố mẹ xảy ra đủ chuyện trùng hợp kỳ lạ.
– Từ ngày bố mẹ tôi chuyển nhà đến đó tính ra là gần 20 năm, hôm đó lần đầu bị cắt điện cả ngày. Kết quả con gà được luộc xong và cúng đúng vào giờ dậu. Đây là buổi cúng thay thế cho lễ cúng giao thừa, nên sớm nhất là làm từ giờ dậu, sớm hơn nữa nó thành lễ cúng ban ngày.
– Luộc xong con gà to vạm vỡ thì dáng của nó cũng đã tự cố định hình như con voi phục. Nhà bố mẹ tôi ở vùng trấn Tây Hà Nội, đền trấn Tây là đền Voi phục. Ngoài ra nhà bố mẹ tôi ở cạnh núi Con voi cũ, nên có lần tôi đùa là ăn cơm ở nhà bố mẹ, nhìn ra cửa thấy con voi. Cảm giác mình ngồi trong nhà có thể gật đầu chào con voi và con voi có thể lắc vòi đáp lại mình. Làm sao con gà này biết đất có thế voi phục để tạo dáng như vậy, tôi cũng chịu.
– Con gà này bị cắt tiết 2 lần mới chết và phải cúng hai lần mới xong vì lần 1 bị dừng. Nhà của cha mẹ tôi do tôi đứng sở hữu đất nhưng tôi lại ở chỗ khác cho nên cũng có thể nói là nó là nhà hai chủ.
Tôi đã từng cho rằng bói giò gà là trò nhảm nhí cho đến lúc tự mình làm gà cúng. Sau khi làm ba con gà cho ba mảnh đất của mình, tôi phát hiện ra rằng cả ba con gà này đều có dáng hình của mảnh đất dù tôi mua gà cùng một giống gà, từ cùng một cửa hàng, làm gà y như nhau và luộc gà cùng một cái nồi. Chỉ cần nhìn sơ qua con gà và trải quá trình làm là tôi đã thấy choáng váng, vì con gà phản ánh quá chính xác tình trạng của đất và chủ đất.
Làm đến con gà thứ ba để cúng cho mảnh đất thứ ba, tôi đã ngắm nghía con gà kỹ hơn, nghĩ về quá trình làm gà nhiều hơn và cũng tự tay xé gà từng phần con gà ra sau khi hạ lễ, để vừa chế biến món ăn vừa quan sát con gà thật kỹ để xem tinh thần của đất qua con gà gửi gắm cho tôi điều gì. Kết quả là dù buổi lễ đã kết thúc lâu rồi, tôi vẫn thuộc như in hình dáng của con gà, mà đã chỉ ra cho tôi quá nhiều thứ mà trước đó tôi không nhìn ra được ở chính bản thân mình và ở đất.
Chân gà là phần cực kỳ quan trọng cần quan sát, bởi vì nó là trục trời đất của con gà, mà khi cúng chuyển thành trục trái phải, để người chủ lễ đứng trục trời đất. Tôi phát hiện ra chân gà khó bóc vỏ và dễ gãy khớp là nhà có vấn đề về thổ địa và thông tầng đất. Nếu giải quyết được các vấn đề này thì con gà cúng lần sau sẽ khác hẳn.
Nếu một con gà cúng phản ánh các vấn đề chính xác như một bản đồ tử vi hay một sơ đồ nhà đất như vậy thì chúng ta nên làm lễ cúng gà rất cẩn thận.
Với tôi, buổi lễ cúng gà giống như một buổi kết nối và soi chiếu chính mình vào trong xứ sở, vào trong không thời gian.
Chẳng hiểu sao những con gà cúng lại cho tôi hiểu về tôi, tôi hiểu về ngôi nhà, tôi hiểu về mảnh đất và biên giới đất đai với hàng xóm láng giềng, tôi hiểu về các chu kỳ mùa vụ; tôi hiểu về giao thừa.
Chẳng hiểu sao tôi hiểu tại tuyên ngôn độc lập của nước Việt vào năm Ất Dậu, tại sao nước Việt lại đánh nhau với nước Pháp, mà biểu tượng là gà trồng Gaulois, tại sao phương Tây ăn gà tây trong lễ năm mới;
Và tôi có mong muốn tự tay nuôi gà như cha mẹ tôi đã nuôi ngày bé.
Chia sẻ:
Scroll to Top